Mặc dù là giáo viên dạy giỏi trẻ khuyết tật cấp thành phố, nhưng cô giáo Đinh Lan Phương, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, khiêm tốn khẳng định những đóng góp của mình cũng bình thường như bao người khác. Thậm chí, những ngày đầu đến với nghề, cô giáo trẻ không kìm được nước mắt, cảm thấy bất lực, nhận thấy kiến thức mình vẫn còn hạn chế...khi đối mặt với những khó khăn của các em học sinh. Nhưng bằng tình yêu nghề, sự đồng cảm và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, người giáo viên đã vượt qua khó khăn và khẳng định năng lực của mình.

*VOH: Con đường nào đưa chị đến với nghề giáo viên ở một ngành học đặc biệt như Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu?
Giáo viên Đinh Lan Phương: Thực ra, không có lý do gì lớn lao. Việc chọn lựa đơn giản vì xuất phát từ hoàn cảnh bản thân. Tôi là một người khuyết tật vận động nhẹ nhưng từ bé đến lớn ba mẹ đều rất lo lắng cho con cái, không biết tương lai con mình sẽ như thế nào. Khi học 12, tôi có tìm hiểu và biết đến ngành học mới đó là ngành Giáo dục đặc biệt. Bản thân tôi từ xưa cũng thích nghề giáo viên nên quyết định thi vào ngành học này để có thể hiểu được tâm lý người khuyết tật như thế nào, gia đình họ sẽ ra sao...
Ngoài ra, vào năm lớp 11, tôi tham gia hoạt động tình nguyện và có dịp trao đổi với một số giáo viên ở trường S0S ở Nghệ An quê tôi. Giáo viên ở trường chia sẻ có những học sinh khuyết tật không biết gửi đi đâu, không biết các em sẽ học thế nào trong tương lai, lúc đó mình mới biết có một ngành nghề chuyên dạy cho các học sinh khuyết tật. Mình quyết định đi theo con đường này.
*VOH: Trong quá trình công tác, chị đã gặp được những thuận lợi hoặc khó khăn gì? Mình đã vượt qua như thế nào?
Giáo viên Đinh Lan Phương: Khó khăn nhiều nhưng thuận lợi cũng nhiều.
Khi người khuyết tật cảm nhận được ai đó tôn trọng năng lực của bạn, biết rằng dù bạn có gặp khó khăn ở một số vấn đề trong cuộc sống, nhưng bạn có năng lực. Bạn được tin tưởng rằng bạn có năng lực. Đó là một điều tuyệt vời. Thuận lợi đầu tiên, tôi cảm nhận được những đồng nghiệp, bạn bè xung quanh tôi, những người tin rằng cô Phương là người có thể làm được công việc này. Đó chính là động lực để tôi làm tốt công việc.
Điều thuận lợi thứ hai, cũng xuất phát đầu tiên từ sự khó khăn. Khi về trường Nguyễn Đình Chiểu, 1-2 năm đầu, tôi chỉ dạy trẻ đơn tật khiếm thị. Tuy nhiên, từ những năm sau đó, tôi được giao chủ nhiệm lớp đa tật. Đa tật, có nghĩa đứa trẻ có từ 2 cho đến nhiều hơn những khiếm khuyết, có bé vừa không nhìn thấy vừa chậm phát triển, có bé vừa không nhìn thấy, không nghe thấy vừa chậm phát triển, có bé vừa tự kỷ, vừa có rối loạn hành vi...
Lần đầu tiên chủ nhiệm một lớp như vậy, mình chỉ biết khóc, vì cảm thấy bất lực quá, không biết làm như thế nào, khi mình đứng trước một đứa bé mà bé không nhìn thấy, không nghe thấy mình, dù mình có nền tảng cơ bản về giáo dục đặc biệt. Đó là khó khăn lớn nhất khi mình vừa "khởi động" tất cả mọi thứ, có nghĩa là vùng hiểu biết còn hạn hẹp quá.
Sau này, mình gặp rất nhiều thuận lợi khi đội ngũ giáo viên trong trường, đặc biệt Ban giám hiệu tạo điều kiện mời các chuyên gia về giáo dục trẻ đa tật. Đồng thời tạo điều kiện để mình đi sang Ấn Độ, Thái Lan tập huấn những khoá ngắn hạn về trẻ đa tật. Suốt khoảng thời gian đó, vì biết học trò lớp mình rất khó khăn nên tất cả nguồn lực đều hỗ trợ cho mình có thêm kiến thức để giúp các em phát triển.
*VOH: Mình vẫn chưa hình dung được, giáo viên bằng cách nào để giáo dục cho các em vừa không nhìn được vừa không nghe được?
Giáo viên Đinh Lan Phương: Thực ra, đó là một phạm trù khá rộng. Nhưng nói một cách ngắn gọn, để dạy các em cần phải thông qua thực hành, học trải nghiệm. Muốn dạy cái gì, giáo viên không thể chỉ nói, bởi vì các em không nghe thấy, hoặc không nhìn thấy. Vậy nên, giáo viên phải dạy các em thông qua thực hành, trên tất cả những gì mình muốn dạy.
*VOH: Một kỷ niệm sâu sắc trong quá trình dạy học của mình là gì?
Giáo viên Đinh Lan Phương: Trước đây mình có dạy một cậu bé tên Quang Anh, bị đa tật. Cả gia đình của em ở Hà Nội nhưng mẹ em quyết định đưa con vào Sài Gòn học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, bởi vì trường có dạy trẻ đa tật.
Ở trong này, bạn ở với người giúp việc. Buổi chiều cứ 5 giờ mình lại đến nhà để hỗ trợ cô giúp việc và em ấy bước vào chương trình lớp 1. Lúc đó, mình dạy đến bài vần "ia". Hai cô trò vừa học vừa chơi trò chơi tìm tiếng có vần "ia". Em phải ghép chữ cái đầu với vần "ia" lại với nhau. Khi bạn ấy tự ghép vần, bạn ấy bảo "i-a-ia, thêm bờ vào phía trước sẽ có tiếng BIA. BIA là bố Long hay uống". Có nghĩa là bạn ấy tự làm và tự giải thích ra như thế. Lúc đó, mình "bùng nổ" một cảm giác vui mừng. Bạn ấy đã nhận thức được từ này có trong thực tế, gắn kết được những sự việc đã diễn ra. Bạn ấy đã thực sự tiến bộ.
*VOH: Chị là một trong những tấm gương của ngành giáo dục, được đề nghị biểu dương ở cấp Thành phố trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021. Chị có thể chia sẻ điều gì ở Bác mà chị tâm đắc và ứng dụng vào thực tế công việc của mình?
Giáo viên Đinh Lan Phương: Nhà mình ở Thành phố Vinh (Nghệ An) sát bên Quảng trường Hồ Chí Minh. Ông ngoại mình cũng đi theo cách mạng. Vì vậy, Làng Sen, Bác Hồ...trở nên gần gũi và đầy cảm xúc. Theo mình, có rất nhiều điều để học ở Bác, tất cả mọi người đã nhìn thấy những đức tính tốt đẹp ở Bác, nhưng với mình điều hay nhất chính là khả năng tự học của Bác. Khi mình dạy học, mình thấy các chuyên gia về đa tật học ở xa quá, trong khi sự hiểu biết của mình vẫn còn giới hạn. Trong khi sự hỗ trợ vẫn còn ít, bắt buộc mình phải tự tìm hiểu thêm. Tất nhiên, việc tự tìm hiểu cũng cần nhiều sự giúp đỡ từ người khác, chứ không phải tự mình làm được hết tất cả. Mình thấy, tự học là đức tính tuyệt vời của Bác.
Thứ hai, mình thấy khâm phục về khả năng ngoại ngữ của Bác. Khả năng này đã hỗ trợ Bác rất nhiều nên bản thân mình cũng mong muốn và cố gắng thêm với ngoại ngữ. Có thể mình không hiểu hết, nhưng ít ra mình biết được những từ khoá cơ bản để có được những thông tin cơ bản nhất khi muốn tìm kiếm điều gì đó trên mạng internet.
*VOH: Cám ơn cô giáo Đinh Lan Phương!