Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

(VOH) - Cán bộ đảng viên mà suy thoái đạo đức lối sống sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào đảng.

Trong công cuộc phát triển kinh tế ngày nay, đất nước ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, sẽ chịu những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, tác động rất lớn đến mỗi con người.

Khi mà nhiều hoạt động, sinh hoạt, làm việc bị chi phối bởi lợi nhuận, lợi ích cá nhân thì đạo đức, lối sống của mỗi người đều có thể bị tác động theo chiều hướng bị quyền lợi chi phối. Đặc biệt, điều này dễ xảy ra ở một số cán bộ, đảng viên thu nhập chưa cao nhưng lại có quyền lực trong việc thực hiện công vụ.

Đó là lý do làm cho bộ phận cán bộ, đảng viên ở vị trí lãnh đạo dễ rơi vào tình trạng phải làm mọi cách để trục lợi cho bản thân, từ đó trượt dài trên con đường phạm tội.

Hình minh họa.

Dân gian đã có câu “quen ăn chứ không ai quen làm”, bộ phận suy thoái đạo đức quen lối sống xa hoa, đua đòi tất nhiên phải kiếm đủ mọi cách bòn rút ngân sách, làm ăn phi pháp thậm chí những người có chức quyền phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, phải tham nhũng lạm công quĩ để có tiền ăn xài, đua đòi, trả nợ nần..

Cứ thế quen dần, sẽ trở thành đối tượng vi phạm pháp luật, khi bị phát hiện phải xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chịu hình phạt trước pháp luật.

Qua nhiều vụ việc từ thực tiễn cho thấy, số cán bộ lãnh đạo suy thoái này cũng chính là những người kém tài, thiếu đức, chạy theo bạc tiền bất chấp luân thường đạo lý. Khi có quyền lực trong tay thì bằng mọi giá phải kiếm chác được từ quyền lực mà nhân dân đã giao phó.

Những hiện tượng trên tuy không nhiều nhưng là những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của người cán bộ đảng viên, người quản lý trong các tổ chức, các cơ quan nhà nước mà còn  làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Từ những suy thoái suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để lấy lại niềm tin của người dân với  Đảng cần thực hiện một số giải pháp như:

Các cơ quan tổ chức phải quản lý chặt chẽ, thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên về ý thức trách nhiệm của một người cán bộ đảng viên đối với dân, với nước  Theo đó, cấp ủy đảng các cấp cần thường xuyên giáo dục, tuyên truyền cán bộ, đảng viên về truyền thống của Đảng ta.

Mỗi người phải có nhận thức đúng về tác hại của các tệ nạn xã hội, lối sống thiếu lành mạnh, đua đòi, mê tín dị đoan….làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng, hiệu quả công tác của mình, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tâm lý và dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống người cán bộ, đảng viên.

Khi vướng vào các loại tệ nạn xã hội, hủ tục, mê tín dị đoan, vướng vào vòng xoáy của đồng tiền làm mất danh dự, uy tín, lòng tự trọng của mỗi đảng viên đồng thời làm giảm sút vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng tại cơ quan đơn vị. Đối với gia đình và xã hội, các loại tệ nạn xã hội, lối sống đua đòi xa hoa cũng là “gánh nặng” cho gia đình, không gương mẫu cho con cháu noi theo.

Để tạo “sức đề kháng” cho cán bộ đảng viên tránh xa sức cám dỗ của đồng tiền thì một vấn đề quan trọng là phải chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viênCán bộ, đảng viên ở các tổ chức, cơ quan nhà nước cần được bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn về đời sống vật chất và tinh thần theo quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, cấp ủy đảng các cấp ở các cơ quan, tổ chức đơn vị cần phải quan tâm, chăm lo, bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn về đời sống vật chất theo quy định, chính sách hiện hành. Đặc biệt là lãnh đạo cơ quan  tổ chức phải  tích cực, chủ động tìm cách nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, đảng viên, công viên chức của mình tùy theo điều kiện của từng cơ quan, đơn vị.

Tổ chức tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, đảng viên phù hợp với từng lứa tuổi, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động sinh hoạt, vui chơi tập thể, nhất là các hoạt động trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ tạo sự hứng thú, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên nhằm ngăn ngừa hạn chế các vi phạm.

Bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần sẽ làm cho các nhu cầu thiết yếu nhất của cán bộ, đảng viên được thỏa mãn, qua đó giúp cho họ không sa vào sự “cám dỗ” của các tệ nạn xã hội, ngăn ngừa sự suy thoái đạo đức lối sống cho cán bộ đảng viên, người lao động.

Kế đến việc ngăn chăn suy thoái đạo đức lối sống cần phải được lãnh đạo cơ quan đơn vị là những người tiên phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống để làm gương cho cán bộ, đảng viên, quần chúng người lao động noi theo.

Công tác tư tưởng phải được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình nhằm định hướng và giải quyết kịp thời các vấn đề tư tưởng nảy sinh trong cơ quan, tổ chức. Không để các vụ việc bức xúc xảy ra nhất là do yếu kém của cán bộ lãnh đạo, quản lý gây ra.

Các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ các cấp khi đánh giá phân loại tư tưởng cán bộ, đảng viên cần phải cụ thể, khách quan, chính xác và thiết thực. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý, sức khỏe của mọi cán bộ, đảng viên thông qua trực tiếp tiếp xúc, qua dư luận, các mối quan hệ.

Thông qua thái độ, động cơ, hiệu quả công tác của từng cán bộ, đảng viên để kịp thời nắm bắt tư tưởng và có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn từ xa, không để những vi phạm nhỏ phát sinh thành những vụ việc lớn.

Quan tâm động viên và giúp đỡ những cán bộ, đảng viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để họ có tư tưởng, bản lĩnh vững vàng trước các cám dỗ trong xã hội. Thường xuyên chủ động định hướng nhận thức và tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước những  vụ việc dễ nảy sinh tiêu cực.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên theo “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với từng chức trách, nhiệm vụ được giao ở mọi điều kiện hoàn cảnh không gian, thời gian trong quá trình học tập, công tác, nhất là luôn làm chủ được bản thân không bị lôi cuốn vào các hoạt động làm mất đi bản chất tốt đẹp của mỗi người.

Việc đẩy mạnh học tâp và làm theo tấm gương của Bác sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch, ngăn ngừa người cán bộ đảng viên  suy thoái đạo đức lối sống.

Việc xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm là rất cần thiết. Đây là biện pháp có ý nghĩa răn đe, giáo dục chung cho mọi cán bộ, đảng viên đối với những vi phạm khi vướng vào các tiêu cực suy thoái đạo đức, lối sống. Theo đó, mọi vi phạm của cán bộ, đảng viên phải được kiểm tra, xác minh, kết luận, xử lý nghiêm minh và công khai, kịp thời, chính xác, đúng tính chất, mức độ vi phạm theo kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Kết quả xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên phải được thông báo công khai, rộng rãi trong cơ quan, đơn vị mới có tác dụng răn đe đối với những cán bộ, đảng viên khác. Nếu không công khai càng gây tác hại nguy hiểm về sau.

Cần chống bệnh thành tích, xử lý nội bộ, bao che, giấu khuyết điểm trong xử lý các vi phạm. Tránh tình trạng “phủ binh phủ, huyện binh huyện” vì sẽ gây ra những tác hại không lường về sau cũng như sẽ gây bức xúc, gây mất lòng tin  cho quần chúng nhân dân về  sự lãnh đạo của Đảng.

Phòng chống, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện là vấn đề cấp bách, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, sức chiến đấu của Đảng. Khắc phục sự suy thoái sẽ đạt kết quả cao khi thực hiện đồng thời các giải pháp ngăn ngừa và phòng chống suy thoái đạo đức lối sống. 

Bình luận