Chờ...

Toàn văn quy định kiểm điểm đánh giá chất lượng đảng viên

(VOH) - Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

VOH xin giới thiệu toàn văn quy định này. 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số 132 -QĐ/TW

         ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

        Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2018

 QUY ĐỊNH

về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.                              

 - Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII,

Bộ Chính trị quy định về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị như sau:

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về nguyên tắc và những nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo, quản lý (gọi tắt là tập thể) và cá nhân trong hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- “Cán bộ”, “công chức”, “viên chức”: Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành.

2- “Cán bộ lãnh đạo, quản lý”: Bao gồm cán bộ; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người quản lý doanh nghiệp nhà nước, người giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

3- “Tập thể lãnh đạo, quản lý”: Là tập thể được quy định là cơ quan lãnh đạo, quản lý, chỉ huy ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể.

4- “Người đứng đầu”: Là người được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc chỉ định giữ chức vụ cấp trưởng trong các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước.

5- “Cấp có thẩm quyền”: Là tập thể lãnh đạo hoặc người đứng đầu được giao quyền quyết định về công tác tổ chức, cán bộ, quản lý đảng viên theo quy định.

6- “Cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ”: Là cơ quan tham mưu, giúp việc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về công tác tổ chức, cán bộ trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước các cấp.  

7- “Các chủ thể tham gia đánh giá” gồm: Các tập thể, cá nhân có liên quan ở cấp dưới trực tiếp, cùng cấp, cấp trên trực tiếp.

Điều 3. Nguyên tắc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại

1- Đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất; trung thực, khách quan, toàn diện; công bằng, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

3- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở.

4- Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại hằng năm.

5- Gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể; người đứng đầu, cá nhân  lãnh đạo, quản lý được phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn với kết quả hoạt động, hiệu quả công tác của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Điều 4. Căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại

1- Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tập thể; nghĩa vụ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân.

2- Cơ chế hoạt động, quy chế làm việc của tập thể; các quy định về việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc tu dưỡng, rèn luyện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp, tác phong, lề lối làm việc của cá nhân.

3- Chương trình, kế hoạch công tác, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt hằng năm.

4-Cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm của cá nhân.

5- Môi trường, điều kiện hoạt động, công tác và đặc thù giới. 

Chương II

KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH HẰNG NĂM 

Điều 5. Đối tượng kiểm điểm

1- Các tập thể lãnh đạo, quản lý

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các ban đảng ở Trung ương và địa phương; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; cấp ủy cơ sở.

- Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban Quốc hội, tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tập thể lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp.

- Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tập thể Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ban thường vụ đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và ban chấp hành cấp cơ sở.

- Tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

2- Cá nhân

- Đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt).

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Điều 6. Khung nội dung kiểm điểm

Nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những thành tích nổi bật để phát huy, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém; liên hệ với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ rõ nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục.   

1- Đối với tập thể lãnh đạo, quản lý

- Việc chấp hành và thực hiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc.

- Việc quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận của cấp trên; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt hằng năm.

- Về trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

- Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm (nếu có).

- Việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở các kỳ kiểm điểm trước.

2- Đối với cá nhân

- Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc. Liên hệ các biểu hiện về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm; trách nhiệm cá nhân liên quan đến kết quả, hạn chế, khuyết điểm ở lĩnh vực, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

- Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.

- Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm (nếu có).

- Việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở các kỳ kiểm điểm trước.

Điều 7. Cách thức kiểm điểm

1- Chuẩn bị kiểm điểm

- Người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm tập thể và lấy ý kiến tham gia, góp ý của các tập thể, cá nhân có liên quan.

- Mỗi người làm 01 bản tự kiểm điểm, nội dung theo từng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của đảng viên (nếu là đảng viên).

- Cấp trên gợi ý kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý (khi cần thiết).

2- Nơi kiểm điểm

- Tập thể lãnh đạo, quản lý cấp nào thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm ở cấp đó. Kết hợp kiểm điểm tập thể, cá nhân thành viên ban cán sự đảng, đảng đoàn với tập thể lãnh đạo, quản lý tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị.

- Đảng viên kiểm điểm ở chi bộ nơi sinh hoạt.

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản thực hiện kiểm điểm ở 02 nơi (ở chi bộ nơi sinh hoạt và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi làm việc).

Đối với những cán bộ giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở 2 nơi nói trên còn phải kiểm điểm them ở nơi khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

3- Trình tự kiểm điểm

- Đối với kiểm điểm tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý: Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau; người đứng đầu trước, cấp phó và các thành viên sau. Cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện kiểm điểm sau khi các tập thể lãnh đạo, quản lý của chính quyền, chuyên môn, đoàn thể hoàn thành kiểm điểm.

- Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Kiểm điểm ở chi bộ trước, ở tập thể lãnh đạo, quản lý sau.

Điều 8. Trách nhiệm, thẩm quyền

1- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân hằng năm ở địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

2- Cấp có thẩm quyền có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm điểm hằng năm đối với các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.

 3- Cấp trên trực tiếp dự, chỉ đạo kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý (khi cần thiết). 

Chương III

ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG

 TẬP THỂ, CÁ NHÂN HẰNG NĂM 

Điều 9. Đối tượng đánh giá, xếp loại

1- Tập thể

a) Tổ chức, cơ quan, đơn vị

- Đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; các tổ chức cơ sở đảng.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở.

- Hội đồng nhân dân các cấp.

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.  

b) Tập thể lãnh đạo, quản lý

- Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; cấp ủy cơ sở. Đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các ban đảng ở Trung ương và địa phương.

- Tập thể Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và ban chấp hành cấp cơ sở. 

- Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban của Quốc hội, tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tập thể lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp.

- Tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

2- Cá nhân

- Đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt).

- Cán bộ, công chức, viên chức và những người khác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đối tượng khác do các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 10. Tiêu chí đánh giá

1- Đối với các tổ chức, tập thể

a) Các tiêu chí về xây dựng tổ chức, tập thể

- Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác.

- Việc thực hiện nguyên tắc tổ chức, cơ chế quản lý theo quy định; các nội quy, quy chế và chế độ làm việc hiện hành.

- Về trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh.

b) Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm

- Việc cụ thể hóa, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác hằng năm để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

- Kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt (được lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể (nếu có)).

 - Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng các tập thể, cá nhân có liên quan trực tiếp; các chỉ số đánh giá, xếp hạng đối với địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị (nếu có).

c) Kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.

2- Đối với cá nhân

a) Các tiêu chí về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc

- Chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống.

- Ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc.

- Mức độ thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.

b) Các tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm

- Việc thực hiện các nhiệm vụ, nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định.

- Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm(được lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể (nếu có)).

- Kết quả đánh giá, xếp loại các tập thể, cá nhân có liên quan trực tiếp; đánh giá tín nhiệm định kỳ (nếu có).

c) Kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.

Điều 11. Phương pháp, quy trình, đánh giá, xếp loại 

1- Căn cứ các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn chất lượng được quy định cụ thể cho mỗi đối tượng, từng tập thể, cá nhân và các chủ thể tham gia đánh giá xác định mức độ đạt được của từng tiêu chí theo 4 cấp độ (Xuất sắc, Tốt, Trung bình, Kém), đề nghị mức xếp loại chất lượng, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhận xét, đánh giá và xếp loại chất lượng đối với mỗi tập thể, cá nhân.

2- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân được thực hiện theo 03 bước như sau:

- Bước 1: Tự đánh giá, xếp loại.

Căn cứ tiêu chí xếp loại, các tổ chức, tập thể, cá nhân tự phân tích chất lượng và xếp loại vào 1 trong 4 mức theo quy định tại Điều 12.

- Bước 2: Tham gia đánh giá và đề xuất xếp loại chất lượng.

Các chủ thể tham gia đánh giá thực hiện việc phân tích chất lượng, đề xuất đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân có liên quan khi được yêu cầu theo trách nhiệm, thẩm quyền.

- Bước 3: Quyết định nhận xét, đánh giá và xếp loại chất lượng.

+ Cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả tự đánh giá, kết quả tham gia đánh giá, các kết quả đánh giá hợp pháp khác và tổng hợp, đề xuất mức xếp loại chất lượng.

+ Trên cơ sở đề xuất của cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá và xếp loại chất lượng hằng năm đối với từng tập thể, cá nhân.

3- Đánh giá, xếp loại kết quả hoạt động của chính quyền địa phương, công tác chuyên môn, hoạt động đoàn thể trước, tổ chức đảng sau; tập thể cấp dưới trước, cấp trên sau; tập thể lãnh đạo, quản lý trước, cá nhân thành viên sau.

Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì đánh giá, xếp loại đảng viên trước, cán bộ lãnh đạo, quản lý sau.

Đảng viên là những người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì việc đánh giá, xếp loại đảng viên sau khi đã hoàn thành việc đánh giá, xếp loại công chức, viên chức hoặc xếp loại lao động.

Sau khi hoàn thành đánh giá, xếp loại tổ chức, tập thể, cá nhân ở địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị thì sẽ tiến hành đánh giá, xếp loại người đứng đầu.

Điều 12. Xếp loại chất lượng

Xếp loại chất lượng theo 4 mức sau:

1- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Là các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích nổi bật; khẳng định vị thế, vai trò hàng đầu, điển hình để các tập thể, cá nhân khác học tập, noi theo; các tiêu chí đánh giá đều đạt “Tốt” trở lên, trong đó những tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm (đối với tập thể), kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (đối với cá nhân) đều được đánh giá đạt “Xuất sắc” với các sản phẩm cụ thể lượng hóa được (nếu có).

Đối với tập thể: Không có đơn vị trực thuộc nào (đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị) hoặc thành viên nào của tập thể lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng. 

2- Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Là các tập thể, cá nhân mà các tiêu chí đều được đánh giá đạt “Trung bình” trở lên, trong đó những tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm (đối với tập thể), kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (đối với cá nhân) đều được đánh giá đạt “Tốt” trở lên.

Đối với tập thể: Không có đơn vị trực thuộc nào (đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị) hoặc thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý đó bị kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).

3- Hoàn thành nhiệm vụ                                              

Là các tập thể, cá nhân mà các tiêu chí cơ bản được đánh giá đạt “Trung bình” trở lên.

Đối với tập thể: Không có đơn vị trực thuộc nào (đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị) hoặc thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý đó bị kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).

4- Không hoàn thành nhiệm vụ

Các tập thể, cá nhân mà các tiêu chí đánh giá đều ở mức “Kém” hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị

- Có đơn vị trực thuộc xảy ra các vụ, việc tham ô, tham nhũng và các vi phạm khác bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).

- Chỉ hoàn thành dưới 50% số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng).

- Tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật hoặc có trên 20% số đơn vị trực thuộc bị kỷ luật trong năm.

b) Đối với tập thể lãnh đạo, quản lý

- Bị cấp có thẩm quyền đánh giá mất đoàn kết nội bộ; có thành viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng).

- Bị xử lý kỷ luật hoặc có thành viên bị kỷ luật trong năm.

c) Đối với cá nhân

- Bị cấp có thẩm quyền đánh giá có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Chỉ hoàn thành dưới 50% số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm, không hoàn thành 100% chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm.

- Bị xử lý kỷ luật trong năm.

- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý: Địa phương, cơ quan, đơn vị, bộ phận, lĩnh vực mà mình trực tiếp phụ trách xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”; hoặc cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp của mình liên quan đến tham ô, tham nhũng và bị xử lý kỷ luật theo quy định (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).

Điều 13. Trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá, xếp loại

 1- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm ở đơn vị mình.

2- Từng tập thể, cá nhân có trách nhiệm thực hiện tự đánh giá, xếp loại chất lượng.

3- Khi có yêu cầu, các chủ thể tham gia đánh giá có trách nhiệm phối hợp đánh giá và đề xuất xếp loại chất lượng đối với đối tượng có liên quan.

4- Cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá và xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm đối với các đối tượng thuộc quyền quản lý không quá một cấp và chịu trách nhiệm về nội dung đánh giá, kết quả xếp loại. 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

Điều 14. Thời điểm thực hiện

Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm được tiến hành trước khi tổng kết công tác năm của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Điều 15. Thông báo và sử dụng kết quả

1- Kết quả kiểm điểm là cơ sở để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của tập thể, cá nhân.

2- Nội dung nhận xét, đánh giá được thông báo tới đối tượng đánh giá và tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng đối tượng đánh giá. Kết quả xếp loại chất lượng hằng năm được công khai theo quy định.

3- Tập thể, cá nhân đã được xếp loại chất lượng, nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm không bảo đảm tiêu chuẩn của mức xếp loại thì cấp có thẩm quyền xem xét hủy bỏ và xếp loại lại.

4- Kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại là căn cứ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để củng cố và phát triển các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị; là cơ sở để thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đánh giá người đứng đầu và so sánh, đánh giá các tập thể, cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Điều 16. Việc bảo lưu ý kiến và khiếu nại kết quả đánh giá, xếp loại

1- Các tập thể, cá nhân có quyền trình bày, bảo lưu ý kiến lên cấp trên trực tiếp những vấn đề, nội dung chưa đồng tình về kết quả đánh giá, xếp loại, nhưng phải chấp hành kết luận nhận xét, đánh giá, xếp loại của cấp có thẩm quyền.

2- Khi có khiếu nại bằng văn bản về nội dung nhận xét, đánh giá và kết quả xếp loại thì cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo bằng văn bản đến tập thể, cá nhân khiếu nại.

Điều 17. Quản lý hồ sơ

Hồ sơ được thể hiện bằng văn bản, lưu giữ tại cấp có thẩm quyền quản lý gồm:

- Bản kiểm điểm cá nhân, báo cáo kiểm điểm tập thể.

- Bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú (đối với cá nhân).

- Biên bản hội nghị kiểm điểm.

- Tổng hợp kết quả thẩm định của cơ quan chủ trì tham mưu, giúp việc.

- Kết luận đánh giá, kết quả xếp loại của cấp có thẩm quyền.

- Văn bản gợi ý kiểm điểm (nếu có).

- Văn bản tham gia, góp ý của các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có).

- Hồ sơ giải quyết khiếu nại về kết quả đánh giá, xếp loại (nếu có).

- Các văn bản khác (nếu có).

Điều 18. Lộ trình thực hiện

Thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với các tổ chức, tập thể lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện và tương đương trở xuống trước; sau đó sơ kết, rút kinh nghiệm sẽ tổ chức thực hiện đối với cấp tỉnh.

Điều 19. Phân công thực hiện

1- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các văn bản pháp luật có liên quan.

2- Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng các văn bản về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với các đối tượng: Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, những người có hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập (mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp nhà nước); sửa đổi, bổ sung đối để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về đánh giá, xếp loại đối với các đối tượng: Doanh nghiệp nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước.  

3- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của tổ chức mình ở các cấp.

4- Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn; xác định đối tượng kiểm điểm, đánh giá, nội dung kiểm điểm, các chủ thể tham gia đánh giá, tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ các đơn vị trong lực lượng vũ trang.

5-  Tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện Quy định này và các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy định của Trung ương; xây dựng kế hoạch thực hiện; quy định cụ thể về nội dung kiểm điểm, tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức chất lượng, các chủ thể tham gia đánh giá và quy trình, phương pháp thực hiện cho từng loại hình đối tượng tập thể, cá nhân phù hợp với địa phương, lĩnh vực, ngành.

6- Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện quy định này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ban đảng Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Chính trị việc thực hiện.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế các quy định trước đây về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Quy định này phổ biến trong toàn hệ thống chính trị để thống nhất thực hiện.

 

Nơi nhận:

- Các tỉnh ủy, thành ủy,

- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,

- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,

- Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương,

- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

 

(Đã ký)

 Trần Quốc Vượng