Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xây dựng Đảng phải gắn chặt với công tác cán bộ và công tác kiểm tra giám sát

(VOH) - Xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng mà ĐH Đảng nào cũng đề ra. Để thực hiện tốt xây dựng Đảng phải gắn chặt với công tác cán bộ và công tác kiểm tra giám sát vì cán bộ là gốc của mọi việc.

Tại các Đại hội của Đảng từ khóa XI đến nay và các Hội nghị Trung ương đều nhắc đến yêu cầu về công tác xây dựng Đảng.

Nếu như Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng" thì đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã có bổ sung, đổi mới nghị quyết "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Muốn làm tốt công tác xây dựng Đảng cần phải gắn chặt với công tác cán bộ và công tác kiểm tra giám sát. Xây dựng phải đi đôi với chỉnh đốn và coi đây là việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó, muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả cần nhìn lại các việc thực hiện các quy định trong công tác kiểm tra giám sát của Đảng.

Xây dựng phải đi đôi với chỉnh đốn và coi đây là việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở
Xây dựng phải đi đôi với chỉnh đốn và coi đây là việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII được triển khai đồng bộ với Quy định số 08 "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên"; Quy định số 47 "Về 19 điều đảng viên không được làm" và đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Nâng cao công tác kiểm tra xử lý các vi phạm đảng viên qua Quy định 102-QĐ/TW được cập nhật thay cho Qui định 181- QĐ/TW.

Kết thúc nhiệm kỳ XII, thống kê cho thấy qua kiểm tra đã kết luận 14.800 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt, 2.727 tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm. Qua giám sát đã phát hiện 1.983 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm và đã chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 316 tổ chức đảng.

Từ năm 2018 đến năm 2020, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, UBKT các cấp đã phát hiện 98.330 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với 87.210 đảng viên (hình thức khiển trách 59.777 đảng viên, cảnh cáo 16.913 đảng viên, cách chức 2.576 đảng viên, khai trừ ra khỏi Đảng 7.944 đảng viên).

Những con số trên cho thấy, số cán bộ đảng viên vi phạm còn lớn. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ XIII là rất nặng nề, đặc biệt là công tác cán bộ, công tác kiểm tra giám sát cần phải gắn chặt hơn nữa để đạt hiệu quả như Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Tình hình trên đây đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự "là đạo đức là văn minh", chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Sinh thời Bác đã căn dặn: Sau khi giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước thì việc làm đầu tiên là phải chỉnh đốn, củng cố lại Đảng. Đảng có mạnh thì cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.

Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng. Đặc biệt vai trò người đứng đầu trong cấp ủy cũng như trong hệ thống chính trị.

Việc quản lý cán bộ còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ nhiều còn nể nang, cục bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc còn nể nang. Chưa phát huy thật sự hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cụ thể là cơ quan, đơn vị.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa "xây" và "chống" : xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách. 

Về công tác tổ chức, cần thí điểm một số chủ trương về trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu như: Người đứng đầu được lựa chọn, giới thiệu và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tổng kết việc thí điểm thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng... Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm; mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Tuyệt đối chống tư tưởng cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", tiêu cực.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc liên quan đến việc tổ chức, con người. Làm công tác về con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác tổ chức phải phân tích, nhận xét, đánh giá về người khác.

Nếu không chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, phiến diện hay nể nang cảm tính. Khi cán bộ được đặt sai vị trí nhất là vai trò người đứng đầu sẽ dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho cơ quan đơn vị, hay nói rộng hơn là thiệt hại rất nghiêm trọng cho Đảng.

Công tác kiểm tra giám sát cũng có liên quan đến tổ chức, con người. Nếu không khách quan, công minh, vị nể hay cảm tính thì công tác kiểm tra giám sát sẽ không còn khách quan, vụ việc sẽ bị biến dạng, việc giải quyết hay xử lý không còn nghiêm và để lại hậu quả không nhỏ cho niềm tin của đảng viên và cả quần chúng nhân dân nhìn vào. 

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bị giảm sút nếu công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cứ còn hạn chế, bất cập, thiếu sót.

Hiện nay, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả trong công tác tổ chức, kiểm tra giám sát đã dẫn đến nhiều vụ việc không ngăn chặn kịp thời đã phát triển từ những sai phạm nhỏ.

Từ mối quan hệ hữu cơ, gắn chặt giữa công tác tổ chức cán bộ với công tác kiểm tra giám sát, để làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, cần kịp thời bổ sung vào trong các Quy định đối với tổ chức đảng và đảng viên về các vi phạm mới phát sinh gần đây như: Vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản; vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, từ thiện; vi phạm về lĩnh vực khoa học công nghệ; vi phạm trong hoạt động tư pháp....

Cần xây dựng hợp nhất hai quy định (Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm) thành Quy định về xử lý vi phạm kỷ luật của Đảng. Tránh tình trạng không muốn xử lý kỷ luật nặng đảng viên vì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của tổ chức Đảng.

Công tác xây dựng Đảng phải gắn liền với chỉnh đốn Đảng, công tác tổ chức và kiểm tra giám sát, góp phần làm cho kỷ luật của Đảng được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, phù hợp với thực tiễn bối cảnh mới hiện nay.

Công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bình luận