Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xe ô tô đã được thay thế động cơ có được đăng kiểm không ?

VOH - Thực tế có một số trường hợp người sở hữu ô tô cũ có nhu cầu thay động cơ mới nhưng muốn giữ lại thân xe và bảng số. Vậy cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử lý thế nào với trường hợp này ?

Về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Việc thay thế động cơ được quy định tại Khoản 19 Điều 4 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT) của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: 

"Không sử dụng lại động cơ của xe cơ giới đã có thời gian sử dụng quá 15 năm kể từ năm sản xuất để thay thế hoặc cải tạo. Động cơ thay thế có công suất lớn nhất theo công bố của nhà sản xuất nằm trong khoảng từ 90% đến 120% so với công suất lớn nhất của động cơ được thay thế".

Như vậy, có thể hiểu rằng chủ xe được phép thực hiện việc thay thế động cơ cho xe ô tô của mình.

Trường hợp thay thế động cơ xe ô tô của mình bằng động cơ của một xe đã qua sử dụng khác thì chủ xe phải đảm bảo xe được lấy động cơ để sử dụng có thời gian sử dụng tính từ năm sản xuất không được quá 15 năm, kể cả khi thay thế động cơ cùng kiểu loại.

Ngoài ra, động cơ thay thế phải có công suất lớn nhất nằm trong khoảng từ 90% đến 120% công suất lớn nhất của động cơ của xe được thay thế.

Sau khi thay thế động cơ, chủ phương tiện tiến hành các thủ tục tiếp theo để được kiểm định theo quy định.

Trường hợp thay thế động cơ khác kiểu loại:

Se cơ giới thay thế động cơ khác kiểu loại được coi là cải tạo và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục cải tạo xe cơ giới quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT), bao gồm:

- Lập hồ sơ thiết kế và thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo quy định tại Điều 5, Điều 7 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT).

- Thi công, nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận cải tạo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT).

nhung-dieu-can-luu-y-khi-dai-tu-dong-co-o-to-3
Ảnh minh họa: OtoHui

Quy trình thủ tục cải tạo xe cơ giới

Việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được thực hiện theo quy trình sau:

Bước 1: Lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo

Hồ sơ gồm: 

- Thuyết minh thiết kế kỹ thuật xe cơ giới (bản chính) theo quy định tại mục A của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

- Bản vẽ kỹ thuật (bản chính) theo quy định tại mục B của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT (căn cứ Điều 5 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT)

Bước 2: Lập hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế

Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế bản chính hoặc biểu mẫu điện tử (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

- 2 bộ hồ sơ thiết kế (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan thẩm định thiết kế hoặc qua hệ thống bưu chính) hoặc 1 hồ sơ dạng điện tử (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) có thành phần theo quy định tại Điều 5 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

- Bản sao có xác nhận của đơn vị thiết kế hoặc bản sao điện tử (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế

- Bản sao có xác nhận của đơn vị thiết kế hoặc bản sao điện tử (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) của một trong các giấy tờ sau: Giấy Đăng ký xe ô tô; Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển); Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký) - căn cứ khoản 4 Điều 7 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 43/2023/TT-BGTVT.

Bước 3: Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo

Xe cơ giới sau khi thi công cải tạo theo thiết kế đã thẩm định phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận cải tạo.

Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo bao gồm:

Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

- Thiết kế đã được thẩm định bản chính hoặc thiết kế đã được thẩm định bản điện tử (đối với kết quả thẩm định thiết kế được trả thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến). Đối với trường hợp miễn thiết kế quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều 6 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT phải có bản vẽ tổng thể xe cơ giới sau cải tạo do cơ sở cải tạo lập.

- Ảnh tổng thể chụp góc khoảng 45 độ phía trước và phía sau góc đối diện của xe cơ giới sau cải tạo; ảnh chụp chi tiết các hệ thống, tổng thành cải tạo;

- Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo;

- Bảng kê các tổng thành, hệ thống thay thế mới theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT

- Bản sao có xác nhận của cơ sở cải tạo các tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế và tài liệu xác nhận nguồn gốc của các hệ thống, tổng thành cải tạo;

- Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng và các thiết bị chuyên dùng theo quy định.

Các thông tin trên căn cứ vào khoản 7 Điều 10 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, được sửa đổ, bổ sung bởi Thông tư 43/2023/TT-BGTVT.

Sau khi thực hiện xong bước nghiệm thu, nếu xe cơ giới đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định thì được cấp Giấy chứng nhận cải tạo.

Bình luận