Tiêu điểm: Nhân Humanity

Áp tơ miệng là gì và biện pháp phòng tránh hiệu quả

( VOH ) - Khi bị áp tơ miệng bạn sẽ vô cùng khó chịu và đau đớn, thậm chí cả ngày không ăn uống được gì. Hãy tìm hiểu ngay các nguyên nhân gây áp tơ miệng để có thể chủ động phòng ngừa hiệu quả.

1. Áp tơ miệng là gì?

Loét aphthe hay còn gọi là áp tơ miệng, là những tổn thương loét đau ở miệng với những vết loét nhỏ dưới 1cm, có hình bầu dục hoặc tròn có bờ màu đỏ.

Vị trí áp tơ miệng thường xuất hiện là ở phần niêm mạc phía trong của miệng. Loét áp tơ là một trong những căn bệnh phổ biến về tổn thương niêm mạc miệng.

ap-to-mieng-la-gi-va-bien-phap-phong-tranh-hieu-qua-voh-1

Bên trong vùng loét áp tơ miệng thường có màu trắng đục (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân bị áp tơ miệng

Nguyên nhân gây bệnh áp tơ miệng đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên các nhà nghiên cứu có đề cập đến các yếu tố nguy cơ như:

  • Nhiễm khuẩn: Do mất cân bằng sinh học của tạp khuẩn trong miệng, bao gồm các vi khuẩn ái khí, kỵ khí và nấm cộng sinh.
  • Nội tiết: Phụ nữ dễ bị viêm miệng áp tơ trong thời kỳ sau đẻ, thời kỳ mãn kinh hoặc trong khi mang thai.
  • Tâm lý và xúc cảm: Stress cũng được xem như một yếu tố thuận lợi gây nên căn bệnh này.
  • Các thực phẩm gia vị (tiêu, ớt), trái cây chua (trái thơm, chanh) làm tăng độ pH nước bọt, tạo điều kiện cho sự tăng sinh của các vi sinh vật ưa axit trong miệng.
  • Vitamin: Người ta thấy những người bị áp tơ miệng luôn luôn bị thiếu sắt và thiếu sinh tố B12.

3. Biểu hiện loét áp tơ miệng

Tổn thương loét áp tơ miệng có nhiều dạng, có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong miệng, nhưng không thấy ở mặt trên lưỡi, môi và vòm khẩu cứng. Những vết loét áp tơ nhẹ thường có hình tròn với đường kính nhỏ hơn 10mm. Hầu hết các vết loét có đường kính từ 2 – 3mm, trung tâm màu trắng. Các vết loét này thường gây đau và tự biến mất sau 3 – 14 ngày, không để lại sẹo.

Những vết loét áp tơ nặng thường tổn thương sâu hơn và có đường kính trên 1cm. Loét áp tơ miệng nặng thường rất đau, có bờ không đều, chỉ khỏi sau từ 3 – 6 tuần, khi lành có thể để lại sẹo.

Vết loét lâu lành có thể là dấu hiệu của một bệnh ác tính. Khi đó, bạn nên đến gặp bác sĩ thăm khám để các cách điều trị hiệu quả hơn.

4. Thuốc điều trị loét áp tơ miệng

Vì chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, mục đích là để giảm đau, rút ngắn thời gian lành vết thương cũng như số lượng và kích thước của vết loét.

Một số loại thuốc thường được chỉ định dùng tại vết loét dưới dạng gel, thuốc bôi dạng dầu hoặc dung dịch. Trong trường hợp không thể hướng tới nguyên nhân cụ thể nào thì biện pháp điều trị được áp dụng là vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, tránh những thức ăn có thể gây kích thích vết loét như trái cây chua. Việc sử dụng bàn chải mềm và chải răng nhẹ nhàng có thể giúp giảm nguy cơ tái phát và tránh những tổn thương cơ học.

Việc bổ sung vitamin tổng hợp cũng có thể được chỉ định, tuy nhiên nếu có những chống chỉ định đặc biệt từ bác sĩ chuyên khoa thì cần thận trọng.

Các loại thuốc mà người bệnh có thể dùng là:

  • Nitrate bạc bôi lên tổn thương, giúp giảm đau ngay sau khi bôi và lành vết loét trong vòng 3 - 5 ngày.
  • Kem triamcinolone acetonide: Bôi lên tổn thương ngày 3 lần, tốt nhất là sau các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ.
  • Amlexanox: Bôi ngày 4 lần, sau khi ăn và trước lúc ngủ.
  • Dung dịch tetracycline dùng súc miệng có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng.

Lưu ý: Khi dùng thuốc bôi, bạn không nên bôi thuốc gần giờ ngủ vì khi ngủ không nuốt nước bọt, chính nước bọt tạo màng rất dày, màng này ngăn cản thuốc bám vào chỗ loét làm cho thuốc mất tác dụng. Tốt nhất nên bôi thuốc trước khi đi ngủ khoảng 1 – 2 tiếng.

5. Biện pháp phòng tránh áp tơ miệng

ap-to-mieng-la-gi-va-bien-phap-phong-tranh-hieu-qua-voh-2

Khám răng miệng định kỳ để phòng ngừa bệnh áp tơ miệng (Nguồn: Internet)

Loét áp tơ miệng thường hay tái phát, có người bị vài lần trong năm nhưng có một số người lại bị rất thường xuyên. Chính vì thế, phòng tránh áp tơ miệng tái phát là rất cần thiết. Để phòng tránh hiệu quả bạn nên:

  • Khám răng, miệng định kỳ để phát hiện và điều trị dứt điểm các tổn thương do răng gây ra.
  • Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay, các loại thuốc uống có cồn, cafein,…
  • Tránh thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc, lao động vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý, tránh mệt mỏi kéo dài làm sức đề kháng suy yếu.
  • Nên súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng nhiễm nấm và vi khuẩn.
  • Bổ sung vitamin đầy đủ nếu có dấu hiệu bị thiếu hụt.

Nhìn chung, bệnh loét áp tơ miệng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến việc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng của người bệnh. Vì thế, mỗi người cần biết cách phòng tránh để bảo vệ răng miệng luôn được khỏe mạnh cũng như việc ăn uống được ngon hơn.

Bình luận