Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bệnh tim thiếu máu cục bộ:”Triệu chứng và cách điều trị khoa học”

(VOH) - Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Đây là bệnh phổ biến, mỗi năm gây ra cái chết cho hơn 10 triệu người trên toàn cầu. Bệnh tim thiếu máu cục bộ còn có nhiều tên gọi khác như bệnh mạch vành, bệnh động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

1. Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì ?

Tim thiếu máu cục bộ hay thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi máu chảy vào cơ tim giảm, là sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành.

Th.s Bác sĩ Nguyễn Trường Duy, Chuyên khoa Nội tim mạch, giảng viên ĐH Y dược TPHCM, cho biết, bệnh tim thiếu máu cục bộ là bệnh của mạch máu nuôi tim.

Trái tim là một khối cơ, hoạt động như một “máy bơm”, liên tục bơm máu để nuôi các cơ quan. Chính vì phải hoạt động liên tục nên trái tim cần phải có máu để nuôi bản thân. Máu cung cấp cho cơ tim được chảy trong động mạch, còn gọi là động mạch vành.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ:”Triệu chứng và cách điều trị khoa học” 1

Ảnh minh họa.

Nếu động mạch vành bị hẹp thì lượng máu đi qua chỗ hẹp sẽ giảm đi, cơ tim sẽ bị giảm túi máu nuôi. Từ đó dẫn đến vùng cơ tim được chi phối bởi nhánh động mạch vành hẹp sẽ bị thiếu máu. Đây được gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ bởi không phải toàn bộ trái tim bị thiếu máu.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Việc giảm lưu lượng máu - giảm cung cấp oxy cho cơ tim có thể gây tổn thương cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu, gây ra nhịp tim bất thường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bất ngờ tắc nghẽn động mạch vành nặng có thể dẫn đến một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).

2. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

Nhiều người lầm tưởng rằng bệnh tim thiếu máu cục bộ là do lượng máu trong người không đủ. Bệnh thiếu máu là do sự giảm sút hemoglobin hay còn gọi là thành phần chở oxy trong máu. Vì vậy, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể xảy ra trên một người hoàn toàn không thiếu máu.

Đối tượng dễ mắc bệnh này là nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 55 tuổi.

“Phụ nữ dưới 55 tuổi thường còn kinh nguyệt, buồng trứng còn hoạt động sẽ tiết ra nội tiết tố. Nội tiết tố này có tác dụng bảo vệ lớp nội mạc mạch máu và giúp hạ các thành phần mỡ máu. Vì thế phụ nữ dưới 55 tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ” – bác sĩ Duy lý giải.

Đặc biệt, những người hút thuốc lá, cao huyết áp hay tiểu đường hoặc ít vận động, gặp stress liên tục cũng có nguy cơ mắc bệnh.

3. Triệu chứng của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Bệnh tim thiếu máu cục bộ được chia thành 2 thể: bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn và hội chứng mạch vành cấp.

3.1 Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn hay còn gọi là đau thắt ngực ổn định mạn, suy động mạnh vành mạn.

Biểu hiện qua các triệu chứng như đau thắt ngực, xuất hiện thường khi bệnh nhân gắng sức như khi đi lên lầu cao hoặc xách đồ nặng.

Cơn đau thường xuất hiện ở vị trí giữa xương ức hoặc hơi lệch sang trái. Không chỉ vậy, cơn đau còn có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái hoặc lan dọc bờ trong của tay trái. Khi xuất hiện cơn đau, người bệnh sẽ có cảm giác như bị một vật rất nặng đè lên ngực hay trái tim đang bị bóp nghẹt.

Cơn đau thường kéo dài từ 5 đến 10 phút, người bệnh nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ dịu dần và hết.

3.2 Hội chứng mạch vành cấp

Xảy ra khi một nhánh động mạch của tim bị tắc đột ngột, bị hẹp rất nặng và chỉ có một lượng máu rất ít có thể đi qua. Trong thể hội chứng mạnh vành cấp, nguy hiểm nhất là tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.

Khi mắc hội chứng mạch vành cấp người bệnh dù không làm việc gì nặng hay gắng sức thì vẫn xuất hiện những cơn đau.

Cơn đau thường xuất hiện vào sáng sớm hoặc từ 17 giờ đến 20 giờ. Cơn đau dữ dội có thể xuất hiện trong lúc cơ thể đang nghỉ ngơi, vị trí đau sau xương ức hoặc ngực trái và hướng lan là lên cổ, hàm dưới, vai trái.

Một số người không xuất hiện cơn đau rõ ràng nhưng lại có những triệu chứng như 2 hàm cứng khít lại, khó mở miệng hoặc cồn cào, khó chịu ở vùng chấn thủy (vùng ngay sát dưới mỏm xương ức và trên rốn) gây ra buồn nôn.

Triệu chứng để phát hiện bệnh sớm nhất là đau ngực khi gắng sức. Bác sĩ Duy cho biết: “Có thể trước đây chúng ta làm một việc nào đó mà không có vấn đề gì nhưng gần đây lại cảm thấy đau, tức, có cảm giác hụt hơi, không đủ hơi để thở. Khi có những triệu chứng trên cần đi khám sớm nhất có thể”.

4. Những biện pháp để “khai thông” dòng chảy của máu:

Chụp và can thiệp động mạch vành: Hút những cục máu đông trong mạch máu, sau đó đặt dụng cụ trợ lực để làm rộng mạch máu.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Áp dụng với những mạch đã quá hẹp, mở một con đường khác cho máu đi qua.

Bình luận