Tiêu điểm: Nhân Humanity

10 nguyên nhân gây chảy máu chân răng có thể bạn chưa biết

(VOH) – Chảy máu chân răng là dấu hiệu của nhiều vấn đề về răng miệng khác nhau. Bạn cần nhận biết sớm nguyên nhân để có cách ngăn chặn, phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời.

Có thể nói, một hàm răng sáng bóng, chắc khỏe không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ mà nó còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cơ thể. Vì thế, nếu bạn thỉnh thoảng hoặc thường xuyên thấy nước súc miệng vừa nhổ ra sau khi đánh răng có màu đỏ của máu hoặc sau khi cắn các loại trái cây cứng bị chảy máu chân răng... thì bạn cần phải lưu tâm.

1. Chảy máu chân răng có phải là bệnh?

Chảy máu chân răng hay còn gọi là chảy máu lợi là triệu chứng của các bệnh có tên gọi khác nhau như viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng, u lợi... Bản chất của chảy máu chân răng là các mảng bám tích tụ dọc theo viền lợi, vùng khe hở giữa nướu và răng. Đây là nơi cư trú hoàn hảo của những loại vi khuẩn gây hại.

Tình trạng chảy máu chân răng thường xuất phát từ việc chăm sóc răng miệng không đúng cách, điều này đã tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn có hại sinh sôi và trú ngụ trong mảng bám trên răng.

Nhiều người thường chủ quan với tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa... Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, nướu răng khỏe mạnh sẽ không dễ chảy máu. Đặc điểm nhận diện nướu răng khỏe mạnh là có màu hồng nhạt và săn chắc. Trong khi đó, nướu bị viêm sẽ có màu đỏ đậm, mềm, rất nhạy cảm và dễ bị chảy máu kèm theo có mùi khó chịu.

Vì thế, nếu bị chảy máu chân răng thường xuyên thì bạn cần phải lưu ý vì đó có thể là vấn đề của sức khỏe.

2. Những nguyên nhân gây chảy máu chân răng

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chảy máu chân răng ít hoặc liên tục và nhiều. Điều này có thể phụ thuộc vào một số bệnh lý hoặc do những thói quen xấu trong cách chăm sóc răng miệng của bạn hàng ngày gây nên.

Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng như:

2.1 Viêm nướu (viêm lợi)

Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh nướu răng. Mảng bám trên răng tại đường nướu nếu không được lấy đi hết sẽ dẫn đến vi khuẩn tồn động, lây nhiễm vào nướu và gây ra các triệu chứng viêm nướu. Tình trạng kéo dài sẽ có nguy cơ lợi bị tụt xuống làm chân răng lộ ra ngoài gây mất thẩm mỹ, thậm chí gây rụng răng.

2.2 Thói quen dùng chỉ nha khoa

Đôi khi một sự thay đổi trong thói quen dùng chỉ nha khoa hoặc dùng chỉ nha khoa không đúng cách có thể dẫn đến chảy máu chân răng. Nếu bạn nghỉ một vài ngày không dùng chỉ nha khoa hoặc tăng tỷ lệ dùng chỉ nha khoa nhiều hơn mỗi tuần thì bạn có thể sẽ bị chảy máu chân răng.

10-nguyen-nhan-gay-chay-mau-chan-rang-co-the-ban-chua-biet-voh

Dùng chỉ nha khoa sai cách có thể gây chảy máu chân răng (Nguồn: Internet)

Nếu tần suất chảy máu chân răng chỉ xảy ra một vài lần bạn có thể bỏ quan nhưng nếu bị chảy máu chân răng liên tục thì bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

2.3 Thuốc làm chảy máu chân răng

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, một nguyên nhân có thể gây chảy máu chân răng đó là sử dụng thuốc làm loãng máu. Thuốc làm loãng máu làm giảm khả năng đông máu nên có thể dẫn đến việc chân răng bị chảy máu.

2.4 Bàn chải đánh răng thô cứng

Sử dụng bàn chải đánh răng thô cứng để đánh răng có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng. Vì thế, bạn hãy nên tìm mua và dùng bàn chải đánh răng có đầu lông mềm, cảm nhận khi đánh là rất nhẹ nhàng cho răng. Ngoài ra, nếu đánh răng quá mạnh cũng dễ gây tổn thương đến lợi và tự làm chảy máu chân răng.

2.5 Vệ sinh răng miệng kém

Chăm sóc răng miệng kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến chảy máu chân răng. Đó có thể là bạn vội vã khi đánh răng, đánh răng không đủ lâu hoặc bỏ qua việc đánh răng vào buổi tối.

2.6 Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng

Một số thành phần trong các loại thực phẩm chế biến mà bạn ăn hàng ngày có thể gây kích ứng nướu và chảy máu. Ngoài ra, chảy máu chân răng phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu hụt vitamin C, vitamin K, đây là những loại vitamin cần thiết cho việc đông máu.

2.7 Hút thuốc lá quá nhiều

Những người thường xuyên hút thuốc lá thường có nhiều cao răng hơn những người không hút. Các chất có hại trong thuốc lá có thể làm người hút dễ mắc phải các bệnh về nướu lợi. Ngoài ra, thói quen hút thuốc lá còn gây ra nhiều các vấn đề răng miệng khác như: hôi miệng, bệnh viêm chu nha, gây mất răng sớm.

2.8 Căng thẳng

Sự căng thẳng cũng đem lại hệ quả xấu cho sức khỏe răng miệng. Nếu bạn đang ở trạng thái kích động và lo lắng liên tục sẽ gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch và khiến bạn dễ bị bệnh nướu răng. Căng thẳng có thể gây viêm trong mạch máu, làm phá vỡ các mô mềm trong miệng và ngăn chặn quá trình chữa lành.

2.9 Răng mọc lệch

10-nguyen-nhan-gay-chay-mau-chan-rang-co-the-ban-chua-biet-1-voh

Răng mọc lệch khiến việc vệ sinh răng miệng gặp khó khăn (Nguồn: Internet)

Răng mọc lệch, không đúng vị trí, khớp cắn sai lệch cũng gây ra tình trạng viêm nướu răng hoặc khiến cho bệnh ngày trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do, răng mọc lệch sẽ dẫn đến sự khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng, dễ gây tổn thương, từ đó dẫn đến dễ bị chảy máu chân răng.

2.10 Thay đổi nội tiết tố ở nữ

Hiện tượng thay đổi nội tiết tố thường xảy ra ở các bé gái trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ đang mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc giai đoạn mãn kinh. Chính sự thay đổi nội tiết tố sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu chân răng.

Trong một số trường hợp, chảy máu chân răng cũng là dấu hiệu nhận biết sớm của một số bệnh lý như: Áp xe chân răng, tiêu xương răng, viêm chu nha... Các bệnh lý về gan, thận hoặc máu...

3. Làm sao để ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng?

Bạn nên thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để được bác sĩ kiểm tra và vệ sinh răng miệng cũng như chẩn đoán và điều trị các vấn đề răng miệng (nếu có).

Bên cạnh đó, bạn cần phải thay đổi một số thói quen xấu trong việc chăm sóc răng miệng hàng ngày. Chẳng hạn như:

3.1 Vệ sinh răng miệng đúng cách

Để có được hàm răng khỏe, bạn nên lưu ý vệ sinh răng miệng kỹ càng và đúng cách. Đầu tiên, bạn cần phải nhớ nên đánh răng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng trước khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ.

Đánh răng theo đúng kỹ thuật, dùng bàn chải lông mềm và không đánh răng quá mạnh làm trầy xước, tổn thương niêm mạc lợi dẫn đến chảy máu.

3.2 Bổ sung các chất cần thiết

Nên bổ sung các loại vitamin như vitamin C để đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương và vitamin K để hạn chế tình trạng chảy máu chân răng. Canxi, magie và các chất chống viêm có trong dầu cá cũng rất có ích cho sức khỏe răng miệng. Ăn nhiều rau xanh vì chất xơ có thể giúp loại bỏ mảng bám trên răng và bề mặt lợi.

3.3 Giảm căng thẳng

Suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng là một trong những cách giúp giảm tình trạng chảy máu chân răng cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể.

3.4 Từ bỏ thói quen hút thuốc lá

Từ bỏ thói quen hút thuốc lá không chỉ giúp bạn có được hơi thở thơm tho, răng trắng sáng và chắc khỏe mà còn giúp phòng tránh được những căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi.

3.5 Sử dụng thảo dược

Một số loại thảo dược có thể giúp cải thiện và ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng, đó là: lô hội (nha đam), dầu đinh hương, lá trà xanh, mật ong,..

3.6 Điều trị theo đúng phác đồ nếu chảy máu chân răng do bệnh lý

Nếu chảy máu chân răng là do bạn đang mắc phải một căn bệnh nào đó thì hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bình luận