Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt chính xác để dễ thụ thai và tránh thai an toàn

(VOH) – Việc biết được cách tính chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp chị em nắm rõ chu kỳ của mình, xác định được ngày rụng trứng, từ đó dễ dàng tính được ngày có khả năng thụ thai hoặc tránh thai an toàn.

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt là một trong những vấn đề mà các chị em phụ nữ cần quan tâm, bởi việc này có thể giúp bạn hiểu rõ những gì đang diễn ra đối với cơ thể bạn, thời gian rụng trứng hay việc phát hiện những thay đổi quan trọng, chẳng hạn như bị mất kinh, kinh nguyệt không đều....

Và mặc dù những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt thường không nghiêm trọng, nhưng đôi khi nó lại là biểu hiện cho những vấn đề sức khỏe khác.

1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt là sự lặp lại của kinh nguyệt tính từ tháng này sang tháng kế tiếp. Thời gian của chu kỳ kinh được tính bắt đầu từ ngày đầu ra máu của tháng này cho đến ngày đầu ra máu của tháng kế tiếp.

Chu kỳ kinh nguyệt cung cấp một loại hóa chất quan trọng giữ cho cơ thể khỏe mạnh được gọi là hormone. Thời gian hành kinh cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thụ tinh, mang thai mỗi tháng. Và chu kỳ kinh nguyệt được điều khiển bởi sự thay đổi hàm lượng hormone trong cơ thể.

Để tính được chính xác chu kỳ kinh nguyệt thì các bạn gái phải quan sát trong nhiều tháng liền mới có thể biết được. Thời gian kéo dài của vòng kinh nguyệt ở mỗi người đều sẽ không giống nhau.

1.1 Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày?

Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người dài ngắn khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thì một chu kỳ kinh nguyệt trung bình sẽ dài khoảng 28 ngày. Ở người lớn dao động khoảng 21 – 35 ngày. Ở thanh thiếu niên trẻ là khoảng 21 – 45 ngày và tất cả phụ nữ đều có kinh nguyệt, trừ những trường hợp mắc bệnh lý.

hieu-ve-chu-ky-kinh-nguyet-va-cach-tinh-chu-ky-kinh-nguyet-chinh-xac-voh

Chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên ở người phụ nữ (Nguồn: Internet)

Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên thường diễn ra vào độ tuổi 12 - 17 tuổi, được gọi là hành kinh lần đầu. Đôi khi kinh nguyệt có thể diễn ra sớm hơn, từ lúc các bé gái mới khoảng 8 – 9 tuổi và đây vẫn được coi là bình thường. Chu kỳ này sẽ kéo dài định kỳ hàng tháng cho đến khi mãn kinh (khoảng từ 45 – 55 tuổi).

1.2 Những triệu chứng phổ biến của chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ

Có khoảng 80% phụ nữ cho biết, họ bắt đầu có các triệu chứng trong vòng từ 1 đến 2 tuần trước khi hành kinh. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Chuột rút ở vùng bụng dưới
  • Đau lưng, đau khớp hoặc cơ bắp
  • Ngực sưng, đau
  • Cơ thể mệt mỏi, nhức đầu
  • Khó ngủ
  • Những thay đổi về khẩu vị hoặc thèm ăn
  • Căng thẳng, dễ bị kích thích, thay đổi tâm trạng
  • Tiêu chảy

2. Kinh nguyệt như thế nào là bình thường, bất thường?

2.1 Những biểu hiện bình thường của chu kỳ kinh nguyệt

Kinh nguyệt là một tình trạng sức khỏe bình thường mà mọi phụ nữ đều phải trải qua do ảnh hưởng nội tiết tố. Một chu kỳ kinh nguyệt đều sẽ diễn ra như sau:

  • Trong nửa đầu của chu kỳ, nồng độ hormone nữ estrogen bắt đầu gia tăng làm cho niêm mạc tử cung (dạ con) lớn và dày lên – đây là nơi nuôi dưỡng phôi thai nếu hiện tượng thụ tinh xuất hiện.
  • Cùng với sự phát triển của lớp niêm mạc tử cung, một hay nhiều trứng bắt đầu trưởng thành và vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ 28 ngày, trứng rời khỏi buồng trứng, quá trình này được gọi là sự rụng trứng.
  • Sau khi trứng rời khỏi buồng trứng sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung. Lúc này mức độ hormone tăng lên giúp nội mạc tử cung chuẩn bị cho quá trình mang thai nếu được thụ tinh với tinh trùng. Còn nếu trứng không được thụ tinh, mức độ hormone sẽ giảm và phần niêm mạc tử cung dày lên cũng sẽ bị đào thải cùng trứng ra ngoài vào ngày hành kinh.

Tuy vậy, nếu chị em có sử dụng một số biện pháp ngừa thai, chẳng hạn như thuốc tránh thai hay đặt vòng tránh thai cũng đều có thể làm ảnh hưởng đến ngày ‘đèn đỏ’. Khi gần mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ cũng có thể trở nên không đều đặn.

hieu-ve-chu-ky-kinh-nguyet-va-cach-tinh-chu-ky-kinh-nguyet-chinh-xac-voh

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng để kịp thời phát hiện những bất thường (Nguồn: Internet)

2.2 Những hiểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt

Không phải ai cũng có được một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Một số phụ nữ có thể gặp phải tình trạng chu kỳ kinh nguyệt đến muộn hoặc đến sớm, kinh ra quá nhiều hay quá ít, kinh không đều, đau bụng dữ dội khi hành kinh... Những điều này là dấu hiệu bất thường của kinh nguyệt và nó có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

  • Do căng thẳng, stress
  • Do tuổi tác (phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, lượng estrogen thấp có thể gây kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh).
  • Do sử dụng các loại thuốc ngừa thai
  • Do rối loạn ăn uống, giảm cân đột ngột hoặc tập thể dục quá sức.
  • Kinh nguyệt bị chậm hoặc mất kinh có thể do mang thai hoặc mẹ đang cho con bú.
  • Do bệnh tật: Một số bệnh tật về tử cung buồng trứng như Hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc cường giáp... đều có thể khiến cho kinh nguyệt diễn ra không đều đặn.

3. Hướng dẫn cách tính chu kỳ kinh nguyệt

Nếu biết cách tính chu kỳ kinh nguyệt của mình, cơ hội thụ thai thành công của chị em sẽ tăng cao hơn. Nếu cần, chị em có thể dùng que thử rụng trứng để đo nồng độ LH sẽ giúp biết được chính xác ngày sắp rụng trứng.

Thông thường, nếu có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày thì thời điểm rụng trứng sẽ rơi vào ngày thứ 14. Còn nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều đặn thì bạn có thể tham khảo cách tính chu kỳ kinh nguyệt dưới đây:

Bước 1: Dùng bút đỏ đánh dấu vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt

Bước 2: Để ý chu kỳ kinh nguyệt diễn ra trong bao nhiêu ngày và bắt đầu tính.

Ví dụ:

  • Thời gian bắt đầu kỳ chu kỳ kinh nguyệt 1 là ngày: 1/10/2018
  • Thời gian bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt 2 là ngày: 29/10/2018

Như vậy, suy ra vòng kinh nguyệt của bạn là 28 ngày.

Bước 3: Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn trong vòng 6 tháng liên tục.

Bước 4: Bạn hãy tạo bảng liệt kê với 2 cột: Một cột là tên tháng và một cột là số ngày của chu kỳ kinh nguyệt

hieu-ve-chu-ky-kinh-nguyet-va-cach-tinh-chu-ky-kinh-nguyet-chinh-xac-1voh

Tính được chu kỳ kinh nguyệt sẽ làm tăng cơ hội thụ thai thành công của chị em (Nguồn: Internet)

Bước 5: Công thức tính chu kỳ kinh nguyệt như sau: A – 14 = X

Trong đó:

  • A là tổng số ngày trong kỳ kinh nguyệt bắt đầu, tính từ ngày hết kinh tháng trước đó
  •  X là ngày rụng trứng

Như vậy, đối với những người có chu kỳ kinh nguyệt bình thường diễn ra 28 ngày thì ngày rụng trứng sẽ là: 28 - 14 = 14. Ngày thứ 14 của chu kỳ kinh là ngày có khả năng đậu thai cao nhất và tốt nhất. Và những ngày lân cận ngày thứ 14 trong khoảng thời gian từ ngày 12 - 16 là những ngày có khả năng dễ đậu thai.

4. Mối liên hệ giữa chu kỳ kinh nguyệt và mang thai

Chu kỳ kinh nguyệt càng không đều sẽ dẫn đến việc thụ thai của bạn sẽ càng trở nên khó khăn vì bạn khó có thể xác định được chính xác thời điểm rụng trứng cho việc ‘quan hệ vợ chồng’ để có thai.

Ngoài nguy cơ vô sinh, tình trạng kinh nguyệt không đều cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa nguy hiểm khác. Vì vậy, hãy theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh kinh nguyệt của mình để giúp quá trình mang thai được suôn sẻ và thuận lợi hơn.

4.1 Có thể thụ thai khi có quan hệ vợ chồng trong lúc đang hành kinh không?

Trường hợp này có thể có khả năng nhưng tỷ lệ không cao và nó chỉ xảy ra khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn ngắn hơn độ dài trung bình của một chu kỳ.

Ví dụ, chu kỳ kinh nguyệt của bạn là 21 ngày, trứng sẽ rụng vào khoảng ngày thứ 10 và nếu bạn giao hợp và ngày thứ 7, bạn có thể mang thai vì tinh trùng có thể sống đến 5 ngày và sẽ có mặt trong ống dẫn trứng của bạn khi bạn rụng trứng.

4.2 Sử dụng thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt?

Ngừa thai bằng sự can thiệp của nội tiết tố về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Và hầu hết phụ nữ đều cần phải ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai 3 tháng trước khi có kế hoạch sinh con.

Như vậy, việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp bạn biết được đâu là dấu hiệu bình thường và bất thường cho cơ thể, cũng như có thể giúp bạn biết được ngày rụng trứng để có thể thụ thai hoặc tránh thai an toàn.

Bình luận