Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Có phải người bị nhiễm khuẩn HP đều sẽ bị ung thư dạ dày?

VOH - Hiện nay, tỷ lệ người bị nhiễm khuẩn HP trong dạ dày là rất cao. Có nhiều thông tin cho rằng, nhiễm HP sẽ dẫn đến ung thư dạ dày vô cùng nguy hiểm.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng bác sĩ Lương Thị Hồng Nhạn, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn.

Nhiễm khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày. Vậy tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày do HP gây ra là bao nhiêu %? Vì sao nhiễm HP lại tăng nguy cơ ung thư dạ dày và khi nào cần điều trị nhiễm khuẩn HP?

Có phải người bị nhiễm khuẩn HP đều sẽ bị ung thư dạ dày? 1
Có phải người bị nhiễm khuẩn HP đều sẽ bị ung thư dạ dày? - Ảnh: Internet

Không phải cứ nhiễm HP là sẽ bị ung thư dạ dày

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP trên toàn cầu là khá cao, hầu hết là trên 50%. Còn riêng ở Việt Nam thì tỷ lệ là trên 70% dân số nhiễm HP cho hầu hết các nhóm tuổi.

Thực tế, ở các bệnh nhân bị viêm dạ dày, loét dạ dày hay ung thư dạ dày đều tìm thấy sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Tuy nhiên, vi khuẩn HP chỉ là yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Do đó, không phải ai nhiễm HP thì cũng dẫn đến viêm loét hay là ung thư dạ dày.

Ở điều kiện bình thường vi khuẩn HP sẽ không gây nhiều tác động có hại cho cơ thể. Chỉ khi cơ thể chúng ta có nhiều thay đổi, bị stress hoặc chế độ ăn uống không phù hợp thì chúng mới hoạt động mạnh và tiết ra các chất làm vùng niêm mạc dạ dày bị xung huyết, khó liền và tổn thương.

Nhiều người cho rằng cứ nhiễm khuẩn HP là bị ung thư dạ dày, thế nhưng tỷ lệ ung thư dạ dày của người nhiễm vi khuẩn HP theo thống kê chỉ từ 1 - 3%, và còn tùy thuộc vào vai trò của gen người bị nhiễm bệnh.

Nếu đem so sánh tỷ lệ 70% dân số Việt Nam nhiễm khuẩn HP với 1 - 3% người bị nhiễm HP bị ung thư dạ dày thì không phải quá cao. Vì vậy người bệnh cũng không cần quá lo lắng, bởi không phải ai có mang vi khuẩn HP đều sẽ bị ung thư dạ dày.

Khi nào cần điều trị nhiễm khuẩn HP?

Việc điều trị nhiễm khuẩn HP sẽ được thực hiện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và chỉ áp dụng cho một số trường hợp có chỉ định bắt buộc điều trị HP.

Các chỉ định điều trị nhiễm khuẩn HP thường liên quan đến những vấn đề triệu chứng ở đường tiêu hóa, cho nên nếu người bệnh thuộc những đối tượng dưới đây thì có thể sẽ được chỉ định điều trị HP:

  • Bị loét dạ dày, loét hành tá tràng.
  • Có triệu chứng đau bụng, đau bụng sau ăn, ăn nhanh no hoặc nóng rát vùng thượng vị.
  • Có tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
  • Có triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.
  • Có cha mẹ, anh, chị, em ruột bị ung thư dạ dày.
  • Có khối u ở dạ dày, bị viêm teo niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân phát hiện nhiễm HP và mong muốn được diệt vi khuẩn HP mặc dù không hề có bất kỳ triệu chứng nào thì cũng có thể chủ động yêu cầu bác sĩ thực hiện phác đồ điều trị HP.

Có phải người bị nhiễm khuẩn HP đều sẽ bị ung thư dạ dày? 2

Đừng quên theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.