Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tìm hiểu về virus cúm A/H1N1 và cách phòng ngừa hiệu quả

(VOH) - Cúm A/H1N1 là một loại bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người một cách nhanh chóng và đáng lo ngại. Có thể tạo thành dịch bệnh nếu không có biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu.

1. Cúm A/H1N1 là gì?

Virus H1N1 là một chủng virus cúm A. Tháng 6/2009, Tổ chức Y tế thế giới cho biết đã một biến thể mới của H1N1 có nguồn gốc từ lợn (nguyên nhân của dịch cúm năm 2009) nên từng được gọi là ‘cúm lợn’ hay ‘cúm heo’.

Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus H1N1 gây nên. Loại virus này thường lây lan từ người sang người và là một trong những bệnh cúm mùa hiện nay. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và nhanh chóng trong cộng đồng.

Loại virus này có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 – 48 giờ trên các bề mặt bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 – 12 giờ và có thể sống được đến 5 phút trong lòng bàn tay.

Đặc biệt, virus cúm A/H1N1 có thể sống lâu trong môi trường nước. Ở môi trường nước có nhiệt độ khoảng 22 độ C virus H1N1 có thể sống được 4 ngày và nếu nhiệt độ ở mức 0 độ C, nó có thể sống đến 30 ngày.

2. Virus cúm A/H1N1 lây qua đường nào?

Virus cúm A/H1N1 là tổ hợp của các gen từ virus cúm ở lợn, chim và con người. Bệnh có thể lây lan nhanh chóng từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi thông qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

tim-hieu-ve-virus-cum-a-h1n1-va-cach-phong-ngua-hieu-qua-voh

Virus cúm A/H1N1 có thể lây lan từ người sang người qua đường hô hấp (Nguồn: Internet)

Người mang virus cúm A/H1N1 trong người có khả năng lây truyền cho người xung quanh trong thời gian từ 01 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày kể từ khi có các triệu chứng nhiễm bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Khác với các virus cúm theo mùa thông thường, H1N1 cho thấy khả năng tấn công sâu vào các tế bào phổi, nơi nó gây ra chứng viêm phổi, thậm chí dẫn đến tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.

3. Virus cúm A/H1N1 triệu chứng nhận biết là gì?

Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A/H1N1 ở người cũng tương tự như các triệu chứng cúm theo mùa, bao gồm: sốt (thường là trên 38 độ hoặc cao hơn), ho khan, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, nhức đầu, ớn lạnh và mệt mỏi.

Một số trường hợp người bệnh có thêm triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa. Trường hợp nặng có biểu hiện suy hô hấp và tử vong.

Người bệnh chỉ có thể nhận biết bệnh cúm A/H1N1 bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm chứ không thể tự phỏng đoán.

3.1 Những trường hợp khẩn cấp cần được đưa đi bệnh viện:

Đối với trẻ em

  • Bé thở nhanh hoặc khó thở
  • Da xanh hoặc xanh xám
  • Không uống được nước
  • Nôn mửa nghiêm trọng hoặc kéo dài
  • Không thức dậy hoặc không tương tác
  • Trẻ khó chịu
  • Các triệu chứng giống như cúm thông thường đã cải thiện nhưng sau đó lại tái phát với sốt và ho nặng hơn.

Đối với người lớn

  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Đau hoặc chèn ép ngực, bụng
  • Đột nhiên choáng váng
  • Không tỉnh táo
  • Nôn mửa nghiêm trọng và kéo dài
  • Các triệu chứng giống như cúm đã giảm nhưng rồi tái phát trở lại nặng hơn.

4. Điều trị và phòng ngừa virus cúm A/H1N1 bằng cách nào?

Bệnh do virus cúm A/H1N1 gây ra có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Hầu hết những người bệnh ở mức độ nhẹ đều có thể tự hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị.

Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân nhập viện và tử vong vì nhiễm loại virus này, đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như: trẻ em, phụ nữ mang thai, người có sức đề kháng yếu, người mắc bệnh mãn tính về tim, phổi, thận hoặc suy giảm miễn dịch...

tim-hieu-ve-virus-cum-a-h1n1-va-cach-phong-ngua-hieu-qua-1-voh

Có thể chủ động phòng ngừa cúm A/H1N1 bằng cách tiêm vắc-xin (Nguồn: Internet)

Vì thế, khi có nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 người bệnh nên tránh tiếp xúc với người khác và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được làm xét nghiệm, kiểm tra. Nếu phát hiện dương tính với cúm A/H1N1 sẽ được tiến hành điều trị kịp thời.

Hiện tại đã có vắc-xin phòng ngừa cúm A/H1N1 nên người dân có thể chủ động đi chích ngừa, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra, tất cả mọi người cũng nên chủ động phòng cúm A/H1N1 bằng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như:

  • Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.
  • Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng nước và xà phòng. Tốt nhất nên sử dụng khăn giấy, sau đó bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác.
  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
  • Tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng.

Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Nếu có biểu hiện hoặc nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1, mọi người nên chủ động cách ly và báo cho cơ quan làm việc, học tập, các cơ sở y tế địa phương để có thể chăm sóc và điều trị kịp thời.

Bình luận