Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đau cổ chân: Nguyên nhân và biện pháp giảm đau tại nhà

(VOH) - Khớp cổ chân giúp bạn di chuyển mỗi ngày nên khó tránh khỏi những tổn thương và gây đau nhức. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục đau cổ chân hiệu quả.

1. Vì sao bị đau cổ chân?

Khớp cổ chân hay còn gọi là mắt cá chân là khớp dễ bị tổn thương. Đau cổ chân là tình trạng đau nhức, tê, ngứa, bầm khi khớp cổ chân bị tổn thương.

Khi bị đau cổ chân, bạn có thể nghi ngờ nó có liên quan đến các nguyên nhân sau đây:

dau-co-chan-nguyen-nhan-va-bien-phap-giam-dau-tai-nha-voh-1

Nhiều nguyên nhân gây đau cổ chân (Nguồn: Internet)

1.1 Đau cổ chân vì bong gân

Bong gân khớp cổ chân xảy ra khi dây chằng quanh khớp cổ chân bị giãn rộng hoặc rách. Xoắn khớp cổ chân có thể dẫn đến bong gân khớp cổ chân từ nhẹ đến nặng.

Ngoài bị đau cổ chân, bạn có thể bị sưng, bầm hoặc giảm phạm vi hoạt động. Bong gân khớp cổ chân cũng khiến bạn hạn chế trong các hoạt động chạy, nhảy.

1.2 Hội chứng kích thích khớp cổ chân

Hội chứng kích thích khớp cổ chân xảy ra khi dây chằng hoặc dây thần kinh quanh khớp cổ chân bị đè nén, dẫn đến đau mãn tính.

1.3 Đau cổ chân do viêm gân

Viêm gân xảy ra khi gân bị kích ứng và viêm. Viêm gân là do chấn thương kinh niên hoặc lạm dụng quá mức các cử động lặp đi lặp lại. Đau quanh khớp cổ chân và các gân bị ảnh hưởng, sưng là triệu chứng của viêm gân. Khi tình trạng viêm gân trầm trọng hơn, bạn có thể bị đau cổ chân khi đi bộ, chạy và nhảy.

1.4 Đau cổ chân vì viêm xương khớp

Các chấn thương khớp cổ chân trước đây và thoái hóa thông thường có thể dẫn đến viêm xương khớp theo thời gian. Viêm xương khớp là hậu quả từ việc thoái hóa dần sụn trong khớp cổ chân.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm cứng khớp, đau sâu trong khớp và khớp cổ chân không ổn định. Xương trong khớp cổ chân biến dạng là những biến chứng của viêm xương khớp.

Các hoạt động như đi bộ có thể làm tăng đau cổ chân và gây suy giảm chức năng.

1.5 Đau cổ chân do bệnh gout

Bệnh gout xảy ra do dư thừa axit uric trong cơ thể. Axit uric tích tụ dưới dạng tinh thể muối urate ở các khớp và gây viêm khớp cổ chân, bàn chân, khớp tay,…

Đau cổ chân có thể do bệnh gout hình thành ở khớp cổ chân. Triệu chứng điển hình là sưng căng đột ngột và đau dữ dội trong khớp cổ chân, nhất là khi đi bộ.

2. Bị đau cổ chân nên làm gì?

Nếu bị đau cổ chân bạn nên:

2.1 Nghỉ ngơi ít nhất 30 phút

Nằm hoặc ngồi xuống để giảm trọng lượng lên cẳng chân và bàn chân. Đặt chân trên vật mềm và hạn chế di chuyển càng lâu càng tốt. Tùy vào mức độ cơn đau mà bạn có thể nghỉ ngơi 30 phút hoặc thậm chí cả ngày. Đây là cách để bạn giảm đau cổ chân tạm thời.

2.2 Thăm khám ở cơ sở y tế

Trong hầu hết các trường hợp, đau cổ chân là do đi bộ hoặc chạy nhảy quá nhiều. Tuy nhiên, đau cổ chân, sưng và các cơn đau không giảm thì bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa cơ xương khớp để kiểm tra và thăm khám.

Những trường hợp đau cổ chân sau đây nên đi khám:

dau-co-chan-nguyen-nhan-va-bien-phap-giam-dau-tai-nha-voh-2

Hãy đi khám nếu đau cổ chân kéo dài và không giảm (Nguồn: Internet)

  • Mang thai hơn 20 tuần và cổ chân sưng nhiều. Sưng mắt cá chân đột ngột cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật hoặc huyết áp cao.
  • Chỉ đau 1 bên cổ chân dù bạn sử dụng cả 2 chân để vận động.
  • Cơn đau dai dẳng hoặc trở nặng theo thời gian.

3. Một số biện pháp giảm đau cổ chân tại nhà:

  • Sử dụng dầu nóng để xoa bóp vùng cổ chân bị đau.
  • Sử dụng nạng để hỗ trợ khớp cổ chân, dùng gậy khi đi bộ.
  • Nhẹ nhàng massage cổ chân để giúp giãn cơ quanh cổ chân.
  • Chườm ấm lên cổ chân bị đau khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày để tăng lưu thông máu và giảm cứng khớp.
  • Khi ngồi, bạn có thể gập bàn chân vào sao cho phần mắt cá chân bên ngoài gần mặt đất và bạn có thể nhìn thấy một bên ngón cái. Cách này giúp giãn cổ chân.
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong chế độ ăn để giúp xương và cơ chắc khỏe.
Bình luận