Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đau mắt đỏ, khi nào cần đi khám?

VOH - Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, đau mắt đỏ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mù lòa.

Theo Bác sĩ.CKI. Phan Thanh Khánh - Bác sĩ chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là bệnh lành tính, ít gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời sẽ khiến tình trạng bệnh kéo dài, gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa. 

Một trong những nguyên nhân khiến đau mắt đỏ thành dịch chỉ trong thời gian ngắn là do một số triệu chứng của bệnh giống với tình trạng đỏ mắt do các nguyên nhân khác như dị ứng mắt, khô mắt… cũng gây đỏ, xốn mắt, ghèn mắt nhiều khiến người bệnh lầm tưởng và tự điều trị sai cách. 

Bác sĩ Khánh cho biết, để phân biệt bệnh đau mắt đỏ với các tình trạng đỏ mắt khác cần dựa vào nguyên nhân, tính chất và triệu chứng của bệnh. 

Trường hợp đau nhức mắt do dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng trước các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, vật lạ bay vào mắt, khô mắt… Đỏ mắt do dị ứng sẽ gây đỏ cả hai mắt, ngứa dữ dội, chảy nước mắt kèm theo tiết dịch nhầy. Có thể xảy ra các triệu chứng dị ứng khác như ngứa mũi, hắt hơi, ngứa họng hoặc hen suyễn. Đau mắt đỏ do dị ứng không có khả năng lây lan và có thể tự hết sau một vài ngày.

Đau mắt đỏ, khi nào cần đi khám? 1
Phân biệt mắt đỏ và đau mắt đỏ - Ảnh: Internet

Đau mắt đỏ hay bệnh viêm kết mạc có nguyên nhân chính do virus và vi khuẩn, thường xảy ra ở một bên mắt, sau đó lan sang mắt còn lại trong vài ngày. Bệnh dễ lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch chảy nước mắt của người bệnh.  

Bệnh đau mắt đỏ gây ngứa, cộm, đỏ mắt; tiết dịch nhiều ở mắt; nhạy cảm với ánh sáng; mắt ra nhiều mủ hoặc ghèn (có màu trắng đục, vàng hoặc xanh); khó mở mắt sau khi thức dậy; mắt mờ nhưng không cải thiện; xuất hiện các cơn cảm lạnh, sốt, nhức mắt hoặc các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp như đau họng.

Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài hơn một tuần. Các triệu chứng nặng không cải thiện là các triệu chứng kéo dài hơn 24h sau khi dùng các thuốc khác. Đặc biệt những trường hợp là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú khi bị đau mắt đỏ cần phải đi khám ngay. 

Bác sĩ.CKI. Phan Thanh Khánh - Bác sĩ chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn nhấn mạnh, ngay khi xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh nên nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. 

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận