Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Đau tinh hoàn là dấu hiệu bệnh gì? Có gây vô sinh không?

(VOH) - Đau tinh hoàn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh dục của nam giới. Đây cũng là nguy cơ tiềm tàng báo hiệu các bệnh lý nam khoa mà người bệnh cần quan tâm.

Đau tinh hoàn là bệnh lý phổ biến ở nam giới. Nếu không được điều trị đúng cách có thể làm viêm nhiễm tinh hoàn, dẫn đến suy giảm chất lượng tinh trùng, thậm chí có thể bị hoại tử. Điều này làm giảm ham muốn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt vợ chồng. 

1. Đau tinh hoàn là gì?

Đau tinh hoàn là tình trạng viêm (sưng) bên trái hay bên phải, thậm chí là cả 2 tinh hoàn trong bìu, do bị nhiễm khuẩn hoặc do virus quai bị gây ra. Tinh hoàn là bộ phận quan trọng, có chức năng sản xuất tinh trùng và hormone nội tiết tố ở nam giới. Khi xuất hiện các cơn đau ở tinh hoàn, đây có thể là tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm, thậm chí là ung thư tinh hoàn.

dau-tinh-hoan-la-dau-hieu-benh-gi-co-gay-vo-sinh-khong-voh-1
Đau tinh hoàn là tình trạng viêm (sưng) bên trái hay bên phải, thậm chí là cả 2 tinh hoàn trong bìu (Nguồn:Internet)

2. Nguyên nhân gây đau tinh hoàn

Đau tinh hoàn là chuyện tương đối nhạy cảm, do đó nhiều người thường e ngại nhút nhát không muốn đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không kịp thời xác định nguyên nhân gây bệnh, có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến đau tinh hoàn mà bạn có thể tham khảo:

2.1. Do khách quan

  • Chấn thương: Một cú va đập trực tiếp vào bìu hay hạ bộ sẽ gây ra tình trạng đau tinh hoàn dữ dội trong vài giây. Nhưng nếu nặng hơn, có thể gây xuất huyết ngoài túi bìu;
  • Tinh hoàn thường xuyên bị chèn ép: Người thường xuyên phải mang vác vật nặng gây chèn ép dương vật và tinh hoàn thì cũng có nguy cơ gây đau nhức, mỏi tinh hoàn,...;
  • Tổn thương thần kinh sinh dục: Những người thường xuyên phải chịu nhiều áp lực lên tinh hoàn, đặc biệt là phải đạp xe trong một thời gian dài hay trên những địa hình gồ ghề có thể khiến tinh hoàn bị đau;
  • Do quan hệ tình dục sai cách: Đau tinh hoàn cũng có thể do trong quá trình quan hệ quá hưng phấn, những hành động quá mạnh bạo hay tư thế yêu không phù hợp có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tinh hoàn, gây căng tức tinh hoàn;
  • Kích thích khi thủ dâm: Khi dương vật bị kích thích, cương cứng, hưng phấn tình dục quá lâu,... có thể gây đau nhức vừa phải ở tinh hoàn. 
group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

2.2. Do chủ quan

  • Viêm mào tinh hoàn: Thường xảy ra ở nam giới từ 20 - 39 tuổi, nguyên nhân là do nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn hoặc do các căn bệnh xã hội như bệnh lậu hay bệnh Chlamydia;
  • Xoắn tinh hoàn: Là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm ngưng trệ nguồn máu đến tinh hoàn, thời gian kéo dài có thể làm tổn thương đến nhu mô tinh hoàn, gây đau và sưng;
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính: Nguyên nhân đau tinh hoàn cũng gây ra do tuyến tiền liệt bị viêm mãn tính, biểu hiện là đau bên trái hoặc bên phải tinh hoàn, cơn đau thường âm ỉ hoặc liên tục;
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Cảm giác đau không nhiều mà chủ yếu là kiểu đau tức, đau tăng khi vận động, hay gặp ở tinh hoàn bên trái, sờ phía trên thấy có búi lùng nhùng như búi giun.
  • Thoát vị bẹn: Thường xảy ra ở nơi tinh hoàn được nối với cơ thể, do ruột ở trên dồn xuống làm một bên bìu to lên thành khối phồng. Khi chạy nhảy, vận động nặng, bìu sẽ càng ngày to ra.

Xem thêm: Những triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mà nam giới nên 'dè chừng'

3. Triệu chứng đau tinh hoàn

Vì đau tinh hoàn là nơi nhạy cảm, nên nhiều nam giới thường e ngại đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, nếu để lâu và xuất hiện thêm những triệu chứng sau đây, bạn không nên chủ quan: 

  • Trên bìu có khối u bất thường;
  • Xuất hiện tình trạng sốt;
  • Da bìu sưng đỏ, nóng rát hoặc mềm nhũn;
  • Từng tiếp xúc với người bệnh quai bị;
  • Cơn đau xảy ra bất ngờ và ngày càng trở nặng;
  • Đau tinh hoàn kèm theo ói mửa;
  • Bộ phận sinh dục vừa bị chấn thương phần bìu hoặc bị sưng tấy không giảm sau một giờ đồng hồ.

3.1. Đau tinh hoàn có nguy hiểm không?

Tinh hoàn là nơi sản xuất ra tinh trùng, do đó nếu bạn đang gặp phải tình trạng đau âm ỉ kéo dài, bạn phải cần tiến hành thăm khám, để hạn chế những biến chứng khó lường. Sau đây là các biến chứng do đau tinh hoàn mà không được điều trị kịp thời: 

  • Tăng nguy cơ mắc phải các bệnh viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, viêm tắc ống dẫn tinh, teo tinh hoàn,...;
  • Làm giảm chất lượng tinh trùng, khiến cho tinh trùng khó gặp trứng để thụ thai, gây vô sinh;
  • Gây cản trở, khó khăn khi quan hệ, dẫn đến làm giảm khoái cảm.

dau-tinh-hoan-la-dau-hieu-benh-gi-co-gay-vo-sinh-khong-voh-2
Đau tinh hoàn làm nam giới giảm hưng phấn khi sinh hoạt vợ chồng (Nguồn:Internet)

Xem thêm: Nắm rõ nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, bạn sẽ biết cách phòng tránh và tăng cơ hội có con cho mình

4. Điều trị đau tinh hoàn

Để chẩn đoán bệnh đau tinh hoàn, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng để chẩn đoán mức độ tình trạng của bệnh, đồng thời, tiến hành một số xét nghiệm như: 

  • Xét nghiệm máu;
  • Siêu âm tinh hoàn;
  • Xét nghiệm niệu đạo;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Thử nước tiểu;
  • Xét nghiệm chất thải ra từ dương vật.

Sau đó, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh, nếu nhiễm trùng do vi khuẩn (trong trường hợp bạn bị bệnh lậu hoặc chlamydia);
  • Thuốc chống viêm;
  • Thuốc giảm đau.

5. Cách phòng ngừa đau tinh hoàn tại nhà

Để hỗ trợ điều trị bệnh đạt kết quả tốt nhất, nam giới cần tuân thủ áp dụng các điều sau đây: 

5.1. Những điều không nên làm

  • Hạn chế quan hệ tình dục, thủ dâm trong thời gian đau tinh hoàn; 
  • Không uống rượu bia, kiêng sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá;
  • Kiêng những đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào;
  • Không tùy ý sử dụng thuốc khi chưa thăm khám tại cơ sở y tế, vì có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

5.2. Những điều nên làm

  • Đau tinh hoàn nên ăn gì là câu hỏi nhiều nam giới thắc mắc. Do đó, theo bác sĩ Phước, tốt nhất bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, các loại trái cây, thực phẩm giàu vitamin C và các loại gia vị chống viêm như tỏi,...;
  • Chườm túi đá lên bìu để làm dịu chỗ sưng và giảm đau;
  • Nên vệ sinh vùng sinh dục sạch sẽ hàng ngày;
  • Mặc quần lót để treo tinh hoàn, giảm chấn thương do rung lắc lúc di chuyển;
  • Tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị, tái khám của bác sĩ.

Đau tinh hoàn gây đau và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị đúng cách, hầu hết các trường hợp đều khỏi bệnh hoàn toàn mà không để lại biến chứng gì và rất hiếm dẫn đến vô sinh. Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng đau tinh hoàn, bạn nên thăm khám và nhận lời tư vấn của bác sĩ để có phương hướng chữa trị kịp thời.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới