Đầu tháng 10/2023, Trung Quốc ghi nhận số lượng các ca viêm phổi ở trẻ em gia tăng. Sau khi điều tra vi sinh,người ta phát hiện phần lớn các tác nhân này là do Mycoplasma. Đến đầu tháng 12/2023, làn sóng dịch đã lan sang châu Âu. Các nước như Hà Lan, Thụy Điển đều ghi nhận số ca viêm phổi do Mycoplasma tăng mạnh.
Theo BS.CKI Nguyễn Văn Tiến, Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, có bốn nhóm nguyên nhân gây nên làn sóng Mycoplasma hiện nay:
- Đầu tiên, Vi khuẩn Mycoplasma chưa có vắc xin phòng bệnh. Khác với viêm phổi do phế cầu hay cúm hay vi khuẩn HI đều đã có vắc xin để tiêm ngừa chủ động. Tuy nhiên, với vi khuẩn Mycoplasma thì hiện chưa có vắc xin.
- Thứ hai, các triệu chứng của Mycoplasma khác với các vi khuẩn hay virus khác. Triệu chứng nhận biết rất là âm thầm, cho nên trong cộng đồng nhiều ca mang bệnh nhưng không phát hiện ra.
- Thứ ba, môi trường càng ngày càng ô nhiễm chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn Mycoplasma bùng phát.
- Cuối cùng là hiện tượng toàn “nợ miễn dịch”. Sau 4 năm Covid-19, cơ thể của con người rất ít được tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh xung quanh, khiến cho hệ miễn dịch dần suy yếu. Vì thế, khi có một tác nhân gây bệnh thì hệ miễn dịch sẽ không thích ứng kịp và gây ra làn sóng dịch mạnh như hiện nay.
Theo các nghiên cứu ở nước ngoài hay ở Việt Nam, chu kỳ dịch bùng phát của vi khuẩn Mycoplasma là từ 3 - 5 năm/lần. Để nhận biết bệnh phổi trắng do Mycoplasma có thể dựa vào 2 dấu hiệu đó là: Dấu hiệu tại đường hô hấp và dấu hiệu ngoài đường hô hấp.
- Các triệu chứng tại đường hô hấp: Đau họng, ho, sổ mũi, đau ngực, thở mệt. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ nhận thấy các tiếng phổi bất thường như: ran ẩm, ran nổ, ran ngáy.
- Các triệu chứng ngoài đường hô hấp: Sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ, nhức mỏi chân tay, mệt mỏi, đặc biệt là sốt phát ban da.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như trên người bệnh cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác.
Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.