Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Nắng nóng và bí quyết giữ gìn sức khỏe, tránh đột quỵ

(VOH) - Thời tiết đang nóng dần lên, khiến cuộc sống nhiều người bị ảnh hưởng và thậm chí gặp những rối loạn về sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu bí quyết dưới đây để giữ gìn sức khỏe mùa nắng nóng.

Trong chương trình Phòng mạch FM phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ những bí quyết để giữ gìn sức khỏe, tránh đột tử khi thời tiết nóng nực, oi bức kéo dài như hiện nay.

1. Ảnh hưởng của thời tiết nóng

Bác sĩ Bay cho biết, hiện nay, ở TPHCM và miền Nam nói chung, nắng nóng có khi lên đến 39 hay 40 độ, trong khi đó thân nhiệt cơ thể chúng ta là 37 độ. Khi thời tiết nóng như vậy, cơ thể phải điều hòa để duy trì mức thân nhiệt là 37 độ C. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn.

nang-nong-va-bi-quyet-giu-gin-suc-khoe-tranh-dot-quy-voh-1

Nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe (Nguồn: Internet)

Hơn nữa, trong ánh nắng mặt trời lúc trưa còn chứa tia bức xạ (hay còn gọi là tia UV). Hiện nay, theo đài khí tượng thủy văn đo được, TPHCM và khu vực Nam Bộ có chỉ số UV tăng cao (giao động ở mức 9 đến 10). Theo WHO, chỉ số cao nhất của tia UV là 11. Với mức 10, nếu chúng ta tiếp xúc liên tục trong thời gian 25 phút có thể gây bỏng da, làm tổn thương AND của da, thay đổi cấu trúc da, thậm chí có thể đưa đến tình trạng ung thư da.

Ngoài ra, khi thời tiết nóng, cơ thể sẽ điều tiết bằng cách vã mồ hôi, làm cơ thể mất nước nhiều hơn. Cơ thể bên trong cũng sẽ nóng lên theo nhiệt độ bên ngoài, dẫn đến tình trạng sốt.

Chính vì thế, thời tiết nóng như hiện nay rất dễ dẫn đến những rối loạn về sức khỏe.

2. Bí quyết giữ gìn sức khỏe mùa nắng nóng

2.1 Uống đủ nước

Với thời tiết hiện nay, dù ở trong nhà hay ở ngoài trời thì cơ thể bạn cũng dễ vã mồ hôi vì nóng. Do đó, hãy uống đủ nước mỗi ngày để tránh mất nước.

  • Nếu làm việc trong nhà, ít mất nước thì bạn có thể uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Nếu làm việc ngoài trời, cơ thể ra nhiều mồ hôi và mất nước thì hãy uống đủ 3 lít nước mỗi ngày.

Lưu ý: Việc uống nhiều nước cũng có thể khiến thận làm việc nhiều hơn và cơ thể bị ngộ độc nước. Do đó, hãy uống nước với số lượng vừa phải.

2.2 Chọn trang phục màu tối và rộng rãi

Khi đi ngoài nắng bạn nên chọn những trang phục rộng rãi, che chắn đủ, đội mũ rộng vành.

Thông thường, những trang phục màu trắng hoặc màu sáng sẽ phản lại ánh sáng, giúp ánh nắng không trực tiếp chiếu lên da, tuy nhiên nó như một màn chắn làm cho nhiệt độ trong cơ thể không toát ra ngoài được, cơ thể vã mồ hôi nhưng lại thấm vào trong trở lại. Do đó, khi đi nắng, bạn nên mặc những trang phục màu đen hay màu tối.

Lưu ý, trang phục cần rộng rãi, thông thoáng, không mặc đồ chật để giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ bên trong và bên ngoài dễ dàng hơn. Đặc biệt, hãy chọn những trang phục có vải dày để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp lên da.

2.3 Xử lý khi bị sốc nhiệt

Khi thời tiết nắng nóng rất dễ xảy ra hiện tượng sốc nhiệt. Triệu chứng bị sốc nhiệt là nóng trong người, mệt mỏi, ngất xỉu, mất ý thức…

Khi phát hiện có người bị sốc nhiệt bạn hãy đưa họ vào chỗ mát, tháo bớt quần áo, dùng quạt để làm thoáng không khí xung quanh. Sau đó, dùng nước vẩy lên người bệnh nhân và đắp khăn ướt lên người. Nếu bệnh nhân mất ý thức thì cần nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện để kịp thời cứu chữa.

2.4 Phòng ngừa sốc nhiệt

Nếu làm việc trong phòng máy lạnh thì không nên để nhiệt độ quá thấp (dưới 25 độ). Sau khi bước ra phòng máy lạnh thì hãy đứng ở ngoài cửa một chút (nơi không có máy lạnh) để cơ thể đáp ứng thời tiết bên ngoài, sau đó che chắn cẩn thận rồi mới đi ra ngoài nắng.

Ngược lại, từ ngoài nắng vào, cần đứng chỗ mát một chút, uống nước, lau mồ hôi khô rồi mới bước vào phòng máy lạnh. Đặc biệt, sau khi đi nắng về không nên tắm ngay vì dễ gây đột quỵ.

nang-nong-va-bi-quyet-giu-gin-suc-khoe-tranh-dot-quy-voh-2

Không nên tắm ngay sau khi đi ngoài nắng về (Nguồn: Internet)

2.5 Phòng ngừa đột quỵ do nắng nóng

Khi cơ thể nóng lên, cơ và lỗ chân lông sẽ giãn nở, máu tăng cường lưu thông, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu giúp tuần hoàn cơ thể. Khi tim co bóp nhiều, huyết áp có thể tăng lên. Do đó, khi có những bệnh nền như đái tháo đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, bệnh tim,…bạn cần sử dụng thuốc đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để phòng ngừa đột quỵ khi đến mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, bạn cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Ngoài ra, bạn cần chú ý giữa nhiệt độ bên ngoài và bên trong để tránh làm rối loạn huyết áp, gây đột quỵ.

Kiến thức trong bài viết được tham khảo từ những trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thị Bay trong chương trình Phòng Mạch FM phát sóng trên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM -  VOH Radio