Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BS.CKI Lê Hồng Sơn, Chuyên ngành truyền nhiễm, Trưởng Khoa Phòng Khám Hai, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
MC Như Ngọc: Bệnh giun đũa chó mèo lây sang người qua con đường nào?
BS.CKI Lê Hồng Sơn: Trước khi tìm hiểu về phương thức lây truyền, chúng ta cần nắm rõ chu kỳ phát triển của giun đũa chó mèo (Toxocara). Theo đó:
- Toxocara nằm trong đường tiêu hóa của chó và mèo.
- Các giun này đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường.
- Trứng giun tồn tại trong đất hoặc cát từ 1 - 2 tuần rồi phát triển thành phôi.
- Phôi phát triển đến giai đoạn 3 sẽ gây bệnh cho người nếu nuốt phải.
Như vậy, sau khi xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng giun từ trong trứng sẽ được phóng thích. Chúng xuyên qua thành ruột của người, rồi theo đường máu di chuyển đến da, gan, các tạng, hệ thần kinh trung ương…
Tại các cơ quan này, ấu trùng có thể sống sót và gây hại cho cơ thể trong nhiều tháng. Sau đó, phản ứng viêm của cơ thể sẽ tiêu diệt hoặc khiến chúng ngừng phát triển.
Tóm lại, phương thức lây truyền của bệnh giun đũa chó mèo là thông qua đường tiêu hóa, tức là khi con người sử dụng phải thực phẩm hoặc nước uống nhiễm trứng giun đũa chó mèo.
MC Như Ngọc: Người bị giun đũa chó mèo có lây bệnh cho người thân hoặc người tiếp xúc gần hay không?
BS.CKI Lê Hồng Sơn: Bệnh này không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
MC Như Ngọc: Bệnh giun đũa chó mèo có gây tử vong ở người không?
BS.CKI Lê Hồng Sơn: Bệnh giun đũa chó mèo ít gây biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng như mù lòa, tổn thương não, thần kinh nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
MC Như Ngọc: Bệnh giun đũa chó có điều trị dứt điểm được không?
BS.CKI Lê Hồng Sơn: Bệnh giun đũa chó mèo hoàn toàn được chữa khỏi nếu bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm nếu sống trong môi trường có bệnh lưu hành.
Ví dụ: Gia đình nuôi chó nhưng không tẩy giun định kỳ, con vật vẫn sẽ thải trứng giun ra ngoài môi trường. Khi đó, bạn vô tình nuốt phải và có khả năng tái nhiễm bệnh.
BS.CKI Lê Hồng Sơn
Chuyên ngành truyền nhiễm
Trưởng Khoa Phòng Khám Hai, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.