Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tẩy giun định kỳ có phòng ngừa bệnh giun đũa chó mèo?

VOH - Giun đũa chó là căn bệnh khá phổ biến tại Việt Nam. Vậy việc tẩy giun định kỳ ở người có phòng ngừa bệnh hiệu quả?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BS.CKI Lê Hồng Sơn, Chuyên ngành truyền nhiễm, Trưởng Khoa Phòng Khám Hai, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

voh-tay-giun-dinh-ky-1
Bệnh giun đũa chó là do loài Toxocara canis ký sinh ở chó gây bệnh cho người - Ảnh: Canva

MC Như Ngọc: Tẩy giun định kỳ ở người có giúp phòng ngừa bệnh nhiễm giun đũa chó mèo được không? Nếu có, mong bác sĩ chia sẻ thêm những lưu ý khi uống thuốc tẩy giun.

BS.CKI Lê Hồng Sơn: Tẩy giun định kỳ tức là tẩy giun ở người. Các loại giun này thường ký sinh trong ruột người, còn giun đũa chó thì sống trong ruột chó, mèo.

Khi tẩy giun định kỳ ở người, cần lưu ý một số điều sau:

  • Thứ nhất, trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu tẩy giun. Riêng những người mắc bệnh cấp tính và mãn tính tiến triển như suy gan, suy thận, suy tim hoặc người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc tẩy giun, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu và phụ nữ đang cho con bú tuyệt đối không được tẩy giun trong giai đoạn này.
  • Thứ hai, khi bị nhiễm giun, người lớn và trẻ em trên 2 tuổi cần tẩy giun với tần suất 2 - 3 lần/năm (tức tẩy giun khoảng 4 - 6 tháng/lần).
  • Thứ ba, thuốc tẩy giun có thể được uống bất kỳ thời điểm nào trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối). Tuy nhiên, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn như đau bụng, buồn nôn,... chúng ta nên dùng thuốc sau bữa ăn sáng. Nếu cơ thể dung nạp tốt và muốn thuốc phát huy hết tác dụng thì nên uống sau bữa tối khoảng 2h hoặc vào sáng sớm khi bụng đói.

Bộ Y tế khuyến cáo tẩy giun định kỳ ở người bằng thuốc Albendazole hoặc Mebendazole liều duy nhất, với liều lượng 400mg hoặc 500mg, cách 4 - 6 tháng/lần. Tuy nhiên, để tiêu diệt giun đũa chó, người bệnh cần dùng Albendazole 800mg/ngày, liên tục 2 - 3 tuần.

Như vậy, việc tẩy giun định kỳ theo chu kỳ 4 - 5 tháng/lần, chỉ có tác dụng với các loại giun ký sinh trong ruột người. Cho nên, không thể phòng ngừa được bệnh giun đũa chó. 

BS.CKI Lê Hồng Sơn

Chuyên ngành truyền nhiễm

Trưởng Khoa Phòng Khám Hai, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

voh-benh-giun-dua-cho

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.