Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thiếu máu ở người lớn tuổi làm tăng nguy cơ té ngã, nhồi máu cơ tim

VOH - Bệnh thiếu máu phổ biến hơn ở người lớn tuổi, cứ 10 người lớn tuổi thì có khoảng 4 người bị thiếu máu.

Thiếu máu có thể khiến người lớn tuổi mệt mỏi, chóng mặt, dễ té ngã, nhồi máu cơ tim, khó thở khi đi lại, cuối cùng dẫn đến nhiều tai nạn, không thể xem nhẹ vấn đề thiếu máu ở người lớn tuổi.

thieu mau
Người lớn tuổi dễ té ngã, nhồi máu cơ khi thiếu máu - Ảnh: TVBS

Nguyên nhân gây thiếu máu

Thiếu máu xảy ra khi một người không có đủ lượng huyết sắc tố hoặc khi các tế bào hồng cầu ngừng hoạt động bình thường, lượng huyết sắc tố bình thường ở người lớn tuổi là từ 12 đến 15g/dL, nếu thấp hơn chỉ số này thì được xem là thiếu máu, sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy trong cơ thể, dẫn đến cơ thể dễ gặp nguy hiểm.

Nếu người lớn tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc đã trải qua phẫu thuật dạ dày, ruột non sẽ bị thiếu máu.

Ngoài ra, các bệnh mãn tính (như bệnh thận) cũng có thể gây thiếu máu, các vấn đề về thận sẽ ảnh hưởng đến nồng độ hormone và số lượng hồng cầu.

Ung thư, nhiễm khuẩn, viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp (tiếng Anh là RA – Rheumatoid Arthritis, một bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp) đều là những nguyên nhân gây thiếu máu.

Viêm khớp dạng thấp (tiếng Anh là RA – Rheumatoid Arthritis), là một bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp.

Triệu chứng thiếu máu ở người lớn tuổi

Triệu chứng thiếu máu thường thấy ở người lớn tuổi khác với người lớn bình thường. Nó có thể có biểu hiện như buồn ngủ, chán ăn, dễ bị ngã nhiều lần, khả năng miễn dịch suy giảm…

Thậm chí, thiếu máu có thể khiến chức năng nhận thức suy giảm, chẳng hạn như mất trí nhớ, làm đi làm lại một việc giống như bệnh mất trí nhớ, mất phương hướng không nhận ra đường phố, khiến dễ bị hiểu lầm là mắc chứng mất trí nhớ…

Nếu người lớn tuổi có vấn đề về tim và bị thiếu máu, họ có thể dễ dàng bị đau thắt ngực nặng hơn hoặc gây ra các bệnh tim mạch khác, cuối cùng làm tăng nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim.

Người lớn tuổi nên xét nghiệm máu thường xuyên để xác định xem lượng sắt, axit folic và vitamin B12 trong máu có đủ hay không và để biết liệu thiếu máu có phải do thiếu dinh dưỡng hay không, từ đó biết cách bổ sung cho cơ thể khỏe mạnh.

Cải thiện vấn đề thiếu máu

Theo một bác sĩ người Mỹ tên Dominique Fontaine trên trang Medical News Today (một trang web y tế đứng thứ 3 về lượt truy cập của Mỹ) cho biết, nếu chỉ bị thiếu dinh dưỡng, mọi người có thể bắt đầu bằng chế độ ăn uống đúng cách và bổ sung đầy đủ 3 chất dinh dưỡng sau đây, sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả bao gồm: sắt, axit folic và vitamin B12.

Sắt

Sắt được sử dụng để tạo ra các tế bào hồng cầu, trong khi axit folic và vitamin B12 là những chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra tế bào.

Sắt được chia thành 2 loại sắt động vật và sắt thực vật, tỷ lệ hấp thụ của sắt động vật là 25%, trong khi sắt thực vật chỉ là 7,5%.

Vì vậy, nếu muốn bổ sung sắt thì nên ăn thực phẩm động vật. Thực phẩm giàu chất sắt trong động vật chẳng hạn như gan ngỗng, huyết vịt, gan heo, nghêu, ốc, thịt bò… nhưng mọi người vẫn nên chú ý đến số lượng ăn vào.

Thực phẩm thực vật giàu sắt bao gồm đậu đỏ, đậu pinto, rau dền đỏ, hạt mè đen, đậu phộng… Nếu muốn tăng tỷ lệ hấp thu sắt, mọi người cũng có thể bổ sung vitamin C để thúc đẩy quá trình hấp thu sắt hiệu quả hơn.

Axit folic

Các loại rau có màu xanh đậm rất giàu axit folic như cải bó xôi (hay còn gọi là rau chân vịt hoặc rau bina), bông cải xanh, măng tây xanh… Trong đó, cà rốt cũng chứa rất nhiều axit folic.

Các loại trái cây như: đu đủ, thơm (dứa), ổi, cà chua bi, cam, kiwi…đều chứa nhiều axit folic. Các loại hạt, hạnh nhân, gan động vật và lòng đỏ trứng cũng có nhiều axit folic không kém trái cây.

Vitamin B12

Vitamin B12 chỉ có trong thực phẩm động vật, nhưng những người ăn chay có thể theo chế độ ăn chay lacto-ovo, để bổ sung Vitamin B12.

Chế độ ăn chay lacto-ovo về cơ bản là một chế độ ăn dựa trên thực vật không bao gồm thịt, cá và gia cầm, nhưng bao gồm các sản phẩm từ sữa và trứng.

Thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm: lòng đỏ trứng, nghêu, hàu, gan heo, cá ngừ và cá hồi. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm từ sữa đều giàu vitamin B12.

Bình luận