Tình trạng thiếu hụt vitamin vốn không hề hiếm gặp, đặc biệt là với loại vitamin thường tan trong dầu như vitamin E. Các thống kê cho thấy tỉ lệ dân số thiếu vitamin E tại các quốc gia châu Á có thể lên tới hơn 60%, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng. (1)
1. Thiếu vitamin E gây bệnh gì?
Khi hàm lượng vitamin E trong cơ thể ở mức thấp hơn so với nhu cầu (nhỏ hơn 15mg/ngày), khả năng cao sẽ xảy ra một số vấn đề sức khỏe dưới đây:
1.1 Suy giảm thị lực
Vitamin E được xem như một dưỡng chất vô cùng cần thiết giúp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. Theo đó, nếu thiếu vitamin E, mật độ tế bào sắc tố suy giảm, gây thoái hóa võng mạc và tăng tỉ lệ bị đục thủy tinh thể, thậm chí có thể làm mất thị lực. (2)
1.2 Cơ bắp suy yếu
Bạn sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng cơ bắp suy yếu và đau nhức các khớp xương hay cơ bắp gặp phải khi cơ thể không được đáp ứng đủ lượng vitamin E cần thiết. Bởi vitamin E là một trong những thành tố quan trọng góp phần bảo vệ màng sinh chất không bị rách, đồng thời hình thành và duy trì độ bền của các sợi cơ. (3)
Xem thêm: Top 15 loại thực phẩm ăn vào là khỏi lo đau nhức xương khớp
1.3 Thiếu máu
Tỉ lệ mắc bệnh lý thiếu máu có thể tăng cao nếu thiếu hụt lượng vitamin E. Lúc này, số lượng hồng cầu bị phá hủy cao hơn lượng được sản sinh ra, dẫn tới sụt giảm lượng oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, gây ra hiện tượng choáng váng và mệt mỏi. (4)
1.4 Lão hóa làn da
Vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh trong cơ thể, vì thế khi thiếu vitamin E, các tế bào da sẽ bị tấn công bởi gốc từ do, làm giảm tính đàn hồi của lớp biểu bì dưới da và khiến hiện tượng lão hóa diễn ra sớm. (5)
1.5 Tăng nguy cơ sảy thai
Vitamin E thuộc nhóm dưỡng chất mà mẹ bầu phải bổ sung đầy đủ trong thai kì. Theo đó, một số thống kê y khoa đã chỉ ra rằng tỉ lệ sảy thai ở các mẹ không tiếp nạp đủ vitamin E thường cao hơn gấp 2 lần so với trường hợp đáp ứng đủ. (6)
Xem thêm: Ghi chú đầy đủ nhất về việc sử dụng vitamin tổng hợp cho mẹ bầu
1.6 Rối loạn hormone sinh sản
Thiếu vitamin E sẽ để lại tác động tiêu cực tới quá trình sản xuất hormone sinh sản ở cả nam giới lẫn nữ giới, gây ra tình trạng rối loạn và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. (7)
2. Dấu hiệu thiếu vitamin E cần biết
Trong trường hợp nhận thấy những dấu hiệu điển hình sau thì phần lớn là cơ thể “cảnh báo” rằng bạn đang thiếu vitamin E:
2.1 Di chuyển không vững vàng
Vitamin E là một trong những “chìa khóa” quan trọng giúp hệ cơ xương khớp luôn dẻo dai và khỏe mạnh. Do đó nếu lượng vitamin E sụt giảm, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong vận động, đi đứng loạng choạng, không vững vàng.
2.2 Quáng gà
Quáng gà cũng được xem như hệ quả của việc cơ thể không được cung ứng đủ lượng vitamin E, khiến khả năng quan sát và tầm nhìn của bạn vào ban đêm, trong bóng tối sẽ thu hẹp lại.
Xem thêm: Những liệu pháp khắc phục bệnh quáng gà hiệu quả bạn nên biết
2.3 Run tay
Run tay và phản xạ chậm hơn thông thường có thể là “tín hiệu” của tình trạng thiếu hụt vitamin E bạn cần chú ý.
2.4 Da thô ráp, nứt nẻ
Biểu hiện da thô ráp, nứt nẻ không chỉ xuất hiện khi cơ thể thiếu vitamin C hay thiếu vitamin A mà còn xảy ra khá phổ biến ở người thiếu vitamin E.
2.5 Tóc gãy rụng
Thiếu hụt vitamin E làm giảm độ ẩm của da đầu, lớp biểu bì trở nên khô cứng, khiến tóc chẻ ngọn và dễ gãy rụng.
Xem thêm: 6 ‘chiêu’ trị gãy rụng, hư tổn giúp tóc dày mượt, nhanh dài thấy rõ
3. Nguyên nhân thiếu vitamin E là gì?
Các yếu tố thường gặp sau đây được cho là tác nhân khiến hàm lượng vitamin E trong cơ thể ở dưới mức cần thiết:
3.1 Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin E
Phần lớn cơ thể chúng ta sẽ hấp thu vitamin E từ nguồn thực phẩm bên ngoài bởi không thể tự sản xuất được nhóm vitamin này.
Vì lẽ đó tình trạng thiếu vitamin E có thể xảy ra khi chế độ dinh dưỡng mất cân bằng và không đảm bảo cung cấp đa dạng các thực phẩm giàu vitamin E như dầu thực vật, các loại hạt, rau xanh lá, trái cây hay một số loại hải sản,…
3.2 Cơ thể kém hấp thu vitamin E
Khi không may mắc phải các bệnh lý liên quan đến gan, mật hay tuyến tụy, hoạt động chuyển hóa chất béo sẽ bị gián đoạn, dẫn đến giảm khả năng hấp thu vitamin E.
Ngoài ra, trẻ nhỏ sinh non cũng là đối tượng rất dễ rơi vào trạng thái thiếu hụt vitamin E nên cha mẹ cần chủ động theo dõi và khắc phục.
4. Chẩn đoán thiếu vitamin E
Dựa trên việc quan sát các dấu hiệu bất thường được nêu trên, bạn có thể “nghi ngờ” cơ thể mình đang thiếu vitamin E. Thế nhưng, nhằm xác định chính xác cũng như được tham vấn các biện phải cải thiện an toàn, lời khuyên là bạn nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế để tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm tan máu hay đo chỉ số lượng hồng cầu.
5. Phương pháp điều trị thiếu vitamin E
Từ kết quả thăm khám, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra những khuyến cáo điều trị thiếu vitamin E phù hợp với từng thể trạng người bệnh.
5.1 Thiếu vitamin E nên ăn gì?
Liệu pháp an toàn và hữu ích nhất giúp bạn “bù đắp” lượng vitamin E thiếu hụt là thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Vì vậy người thiếu vitamin E thường được khuyến khích ăn thêm các thực phẩm lành mạnh chứa lượng vitamin E dồi dào, gồm dầu thực vật, các loại hạt hoặc hải sản,…
Xem thêm: Top 5 thực phẩm giàu vitamin E, bạn cần bổ sung để ngừa ung thư, chống lão hóa và làm đẹp da
5.2 Dùng thuốc bổ sung vitamin E
Thuốc uống hoặc thuốc tiêm bổ sung vitamin E rất hiếm khi được sử dụng, ngoại trừ trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng. Cho nên bạn tuyệt đối không tự ý mua và dùng điều trị nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Vitamin E góp phần không nhỏ giúp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hữu hiệu, do đó đừng quên xây dựng một khẩu phần ăn khoa học, đáp ứng đủ lượng vitamin E cần thiết, nhằm chủ động phòng ngừa tình trạng thiếu hụt xảy ra nhé.