Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm khớp dạng thấp: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị hiệu quả

( VOH ) - Việc tìm hiểu đầy đủ kiến thức về viêm khớp dạng thấp góp phần quan trọng trong việc nhận biết, điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Bệnh viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp hay thấp khớp, xảy ra do tình trạng rối loạn tự miễn của cơ thể. Bệnh gây viêm dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp, phần lớn xảy ra ở khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối.

Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bạn như viết chữ, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ đạc. Viêm khớp mắt cá, khớp gối hoặc khớp bàn chân có thể gây khó khăn cho bạn trong việc đi đứng và cúi người.

hieu-dung-ve-benh-viem-khop-dang-thap-voh-1

Viêm khớp dạng thấp nếu không chữa trị kịp thời sẽ làm biến dạng các khớp (Nguồn: Internet)

2. Vì sao bị viêm khớp dạng thấp?

Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được biết rõ. Người ta xem viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố như:

2.1 Yếu tố tác nhân gây bệnh

Có thể do virus, vi khuẩn, dị nguyên, chúng có khả năng làm rối loạn quá trình tổng hợp globulin miễn dịch.

2.2 Yếu tố cơ địa

Bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70-80% bệnh nhân và nữ) và độ tuổi (60-70% gặp ở người trên 30 tuổi).

2.3 Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có thể có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp vì một số gen mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh nhưng có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm một số vi khuẩn hoặc virus nhất định và từ đó có thể làm khởi phát bệnh.

3. Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp

3.1 Giai đoạn khởi phát

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường khởi phát sau một số yếu tố thuận lợi như nhiễm khuẩn cấp tính, chấn thương, cảm lạnh, căng thẳng thần kinh,…có thể bắt đầu một cách từ từ và tăng dần.

Trước khi có triệu chứng của khớp, bệnh nhân có thể có biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, ra nhiều mồ hôi, tê các đầu chi. Giai đoạn này kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.

3.2 Giai đoạn toàn phát

  • Viêm nhiều khớp

Thường xuất hiện viêm đau nhiều khớp nên gọi còn được gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Trong đó hay gặp nhất là các khớp cổ tay (90%), khớp ngón gần bàn tay (80%), khớp bàn ngón (70%), khớp gối (90%), khớp cổ chân (70%), khớp ngón chân (60%), khớp khuỷu (60%). Các khớp ít gặp như: khớp háng, cột sống, khớp vai, khớp ức đòn (nếu có viêm các khớp này cũng thường là ở giai đoạn muộn).

  • Biểu hiện ngoài da

+ Hạt thấp dưới da: Biểu hiện này gặp ở 10 – 20% trường hợp viêm khớp dạng thấp. Đó là những hạt hay cục nổi gồ lên mặt da, không di động vì dính vào nền xương, không đau, kích thước từ 5 – 10 mm.

+ Da teo hơi tím, móng khô dễ gãy, gan bàn chân – bàn tay giãn mạch.

+ Viêm gân Achille.

  • Biểu hiện nội tạng:

Lá lách to, viêm màng ngoài tim, van tim ít, tràn dịch màng phổi,…

Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh lý mà mỗi người có triệu chứng khác nhau, chính vì thế việc gặp bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán là vô cùng cần thiết.

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Dưới đây là những tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp:

4.1 Tiêu chuẩn của hội thấp khớp Mỹ ACR - 1958

Bao gồm 11 tiêu chuẩn:

  • Có cứng khớp buổi sáng.
  • Đau khi khám hoặc khi vận động từ 1 khớp trở lên.
  • Sưng tối thiểu 1 khớp trở lên.
  • Sưng nhiều khớp thì khớp sưng sau cách khớp sưng trước dưới 3 tháng.
  • Sưng khớp có tính chất đối xứng 2 bên.
  • Có hạt dưới da.
  • Tổn thương X quang có hình ảnh khuyết xương, hẹp khe khớp.
  • Yếu tố thấp dương tính (làm 2 lần).
  • Lượng mucin trong dịch khớp giảm rõ.
  • Sinh thiết hạt dưới da thấy tổn thương điển hình.
  • Sinh thiết màng hoạt dịch thấy 3 tổn thương trở lên.

Chẩn đoán chắc chắn khi có 7 tiêu chuẩn trở lên và thời gian bị bệnh trên 6 tuần. Chẩn đoán xác định khi có 5 tiêu chuẩn trở lên và thời gian bị bệnh trên 6 tuần. Chẩn đoán nghi ngờ khi có 4 tiêu chuẩn và thời gian bị bệnh 4 tuần.

4.2 Tiêu chuẩn ACR – 1987

Bao gồm 7 tiêu chuẩn:

  • Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
  • Sưng đau kéo dài tối thiểu 3 khớp trong các khớp sau: ngón tay gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân.
  • Sưng đau 1 trong 3 vị trí: khớp ngón tay gần, khớp bàn ngón, khớp cổ tay.
  • Sưng khớp đối xứng.
  • Có hạt dưới da.
  • Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp.
  • Hình ảnh X quang điển hình.

Chẩn đoán xác định khi có 4 tiêu chuẩn trở lên.

4.3 Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp tại Việt Nam

Do thiếu các phương tiện chẩn đoán cần thiết nên ở nước ta chẩn đoán viêm khớp dạng thấp được xác định dựa vào các yếu tố sau:

  • Nữ tuổi trung niên.
  • Viêm các khớp nhỏ ở hai bàn tay, phối hợp với các khớp gối, cổ chân, khuỷu.
  • Viêm khớp đối xứng.
  • Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng.
  • Diễn biến trên 2 tháng.

5. Điều trị viêm khớp dạng thấp

hieu-dung-ve-benh-viem-khop-dang-thap-voh-2

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng cách nào tốt nhất? (Nguồn: Internet)

Cách tốt nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp là sử dụng thuốc, kết hợp với tập thể dục và vận động để khớp được vận động và thả lỏng các khớp, tăng độ dẻo dai của cơ bắp, giảm căng thẳng tinh thần.

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc chống thấp khớp. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định từng loại thuốc cụ thể.

Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu như ngâm nước nóng, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đèn nhiệt làm ấm khớp, trị liệu giảm đau bằng thủy lực để hỗ trợ điều trị viêm khớp và phục hồi sau điều trị.

Nếu điều trị bằng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu mà vẫn không khỏi thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để chỉnh sửa các khớp bị hư hỏng. Phẫu thuật có thể giúp giảm đau và phục hồi khả năng sử dụng khớp cho người bệnh.

Các phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Phẫu thuật thay thế khớp hoàn toàn: Ở phẫu thuật này bác sĩ sẽ loại bỏ khớp bị hư hỏng và thay thế bằng một khớp nhân tạo.
  • Phẫu thuật sửa gân: Phẫu thuật này sẽ giúp sửa chữa các gân bị lỏng hoặc đứt do viêm và tổn thương ở khớp.
  • Phẫu thuật chỉnh trục: Thường được tiến hành nhằm làm ổn định hoặc giảm đau cho những trường hợp phẫu thuật thay thế khớp không thể thực hiện được.

6. Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp nếu không tích cực điều trị thì bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như gây co quắp các ngón tay, chân, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và có thể bị tàn phế (biến chứng này chiếm khoảng từ 10 - 15%).

Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng lên các bộ phận khác của cơ thể như mắt, phổi, tim, xương, dây thần kinh và mạch máu. 

Chính vì thế, dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì bạn cũng không nên chủ quan với bệnh viêm khớp dạng thấp.

7. Làm gì để phòng ngừa viêm khớp dạng thấp?

Để phòng bệnh viêm khớp dạng thấp bạn nên:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh: Tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu vitamin E, omega3 và collagen để tăng sự phát triển và sản sinh những chất cần thiết cho hệ khớp và hệ xương. Đồng thời, bổ sung một số thực phẩm chuyên tăng dịch nhờn cho khớp như đậu bắp, mồng tơi,…
  • Tập yoga: Tập yoga được xem là một phương pháp tập luyện giúp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp vô cùng hiệu quả. Các động tác yoga nhẹ nhàng đến dẻo dai có tác dụng tác động sâu, khiến các khớp trở nên dẻo dai và linh hoạt hơn.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp: Trọng lượng cơ thể vừa phải có tác dụng giảm bớt những áp lực nâng đỡ trọng lượng của cơ thể. Ngoài ra nó còn có tác dụng vô cùng hiệu quả trong phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp.

Như vậy, viêm khớp dạng thấp tuy không phải là bệnh nguy hiểm gây chết người nhưng nó có thể làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, khi phát hiện người bệnh cần tích cực điều trị càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng làm biến dạng các khớp sau này.

Bình luận