Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm tinh hoàn: Triệu chứng, cách điều trị và các biến chứng

(VOH) - Viêm tinh hoàn gây khó chịu và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác tại tinh hoàn. Bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

1. Định nghĩa viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn là tình trạng viêm một hoặc cả hai tinh hoàn, do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Tuy nhiên, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một bên tinh hoàn. 

Viêm tinh hoàn kéo dài trong vài tuần, gây đau tinh hoàn và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

2. Nguyên nhân của viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Đôi khi không thể xác định được nguyên nhân gây ra viêm tinh hoàn.

2.1 Viêm tinh hoàn do virus

Virus quai bị là nguyên nhân hàng đầu thường gây viêm tinh hoàn. Gần 1/3 nam giới mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì sẽ bị viêm tinh hoàn.

viem-tinh-hoan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-cac-bien-chung-voh-1
Virus quai bị thường gây viêm tinh hoàn (Nguồn: Internet)

Sưng tuyến nước bọt là một triệu chứng của bệnh quai bị. Viêm tinh hoàn do virus liên quan đến quai bị phát triển từ 4 đến 10 ngày sau khi các tuyến nước bọt sưng lên.

Xem thêm:  3 triệu chứng cảnh báo viêm tinh hoàn sau quai bị, giúp nam giới tránh khỏi tình trạng vô sinh nam

2.2 Viêm tinh hoàn do vi khuẩn

Vi khuẩn thường gây viêm tinh hoàn bao gồm Escherichia coli, Staphylococcus và Streptococcus. Các nguyên nhân nhiễm khuẩn tinh hoàn là:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs)
  • Viêm mào tinh hoàn. Mào tinh hoàn là nơi lưu trữ tinh trùng và nối tinh hoàn với ống dẫn tinh
  • Nhiễm trùng tuyến tiền liệt

3. Các yếu tố nguy cơ của viêm tinh hoàn

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm tinh hoàn bao gồm:

  • Không được chủng ngừa bệnh quai bị
  • Bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
  • Phẫu thuật liên quan đến bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu
  • Sinh ra với bất thường ở đường tiết niệu như bàng quang, niệu đạo
  • Đặt ống thông tiểu vào bàng quang, niệu đạo

Các hành vi dẫn đến STDs khiến bạn có nguy cơ bị viêm tinh hoàn lây truyền qua đường tình dục. Những hành vi đó bao gồm:

  • Nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục với bạn tình bị STDs
  • Quan hệ tình dục không dùng bao cao su
  • Tiền sử cá nhân bị STDs

Xem thêm: ‘Điểm mặt’ những căn bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục nhất

4. Triệu chứng của viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn thường được nhận biết thông qua các triệu chứng sau đây:

4.1 Triệu chứng lâm sàng

Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm tinh hoàn thường phát triển đột ngột, bao gồm:

  • Đau tinh hoàn và bẹn là triệu chứng chính của bệnh viêm tinh hoàn
  • Đi tiểu đau
  • Đau khi xuất tinh
  • Sưng hạch bạch huyết ở bẹn
  • Tinh hoàn sưng và có màu đỏ hoặc tím
  • Sốt
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Mệt mỏi
  • Tinh dịch có màu vàng hoặc trong tinh dịch có máu, tinh trùng loãng dần

Hầu hết các trường hợp viêm tinh hoàn do vi khuẩn cần điều trị ngay. Nếu thấy bìu hoặc tinh hoàn bị đỏ, sưng, nóng, đau, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Một số bệnh nguy hiểm cũng gây đau tinh hoàn như xoắn tinh hoàn. Bệnh lý này cần được khám và chẩn đoán ngay để có hướng xử lí kịp thời.

viem-tinh-hoan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-cac-bien-chung-voh-2
Đau tinh hoàn là triệu chứng chính của viêm tinh hoàn (Nguồn: Internet)

4.2 Triệu chứng cận lâm sàng

Triệu chứng cận lâm sàng là triệu chứng được phát hiện qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hay xét nghiệm. Các cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán xác định viêm tinh hoàn bao gồm:

  • Siêu âm tinh hoàn bị viêm hoặc cả hai tinh hoàn để phân biệt tình trạng đau là do viêm tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn.
  • Khám trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt có bị nhiễm trùng không.
  • Xét nghiệm nước tiểu để tìm STDs và các vi khuẩn khác có thể gây ra nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu để tìm HIV và giang mai.

5. Điều trị viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần tới gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và được kê đơn thuốc. Chăm sóc tại nhà với chế độ kiêng khem đúng đắn kết hợp điều trị y tế phù hợp là lựa chọn đúng khi điều trị viêm tinh hoàn.

5.1 Điều trị nguyên nhân

Tùy theo nguyên nhân của bệnh mà chọn cách điều trị và các loại thuốc thích hợp.

Do virus

Không có thuốc đặc hiệu để chữa khỏi viêm tinh hoàn do virus nhưng tình trạng này sẽ tự khỏi sau 1 đến 3 tuần. Chỉ cần điều trị các triệu chứng và chăm sóc tại nhà.

Do vi khuẩn

Viêm tinh hoàn do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Hầu hết nam giới cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh tại nhà trong ít nhất 10 ngày. Tuy nhiên còn tùy vào loại và nguồn lây của vi khuẩn, ví dụ như nhiễm trùng tiết niệu hay viêm tuyến tiền liệt gây viêm tinh hoàn, thời gian dùng kháng sinh có thể dài hơn. 

Nếu đang điều trị viêm tinh hoàn bằng kháng sinh tại nhà mà bị sốt cao, buồn nôn hoặc nôn nên nhập viện để bác sĩ xem xét truyền kháng sinh tĩnh mạch.

5.2 Điều trị triệu chứng

Tùy theo triệu chứng kèm theo của viêm tinh hoàn, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Thuốc hạ sốt, giảm đau
  • Một số loại vitamin giúp tăng sức đề kháng

Ngoài ra, nên sử dụng một số phương pháp không dùng thuốc để hạn chế triệu chứng: 

  • Chườm đá: Không chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh. Bọc đá trong một miếng vải mỏng và sau đó đặt nó lên bìu. Chườm đá trong 15 hoặc 20 phút mỗi lần, vài lần một ngày, trong một hoặc hai ngày đầu tiên.
  • Mặc quần lót vừa vặn để nâng đỡ tinh hoàn.
  • Nếu bị nhiễm STDs, điều trị cho cả bạn tình.
  • Kiêng quan hệ tình dục và bê vác nặng trong thời gian điều trị viêm tinh hoàn. 
viem-tinh-hoan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-cac-bien-chung-voh-3
Chườm đá giúp giảm triệu chứng viêm tinh hoàn (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Đến gặp lại bác sĩ khi kết thúc đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh để đảm bảo rằng bạn đã khỏi bệnh. Đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn trong quá trình điều trị viêm tinh hoàn.

Xem thêm: Có nên làm 'chuyện ấy' không khi nam giới bị viêm tinh hoàn?

6. Các biến chứng của viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, thậm chí tỉ lệ viêm tinh hoàn ở trẻ cũng khá cao. Nếu điều trị đúng và kịp thời, hầu hết nam giới bị viêm tinh hoàn đều hồi phục hoàn toàn và không gây ảnh hưởng lâu dài. Viêm tinh hoàn hiếm khi gây vô sinh ở nam giới. Các biến chứng khác cũng rất hiếm nhưng có thể gặp, bao gồm:

  • Viêm tinh hoàn mãn tính nếu không được điều trị.
  • Teo tinh hoàn: Viêm tinh hoàn có thể khiến tăng áp lực và khiến tinh hoàn bị teo lại.
  • Áp xe bìu: Các mô nhiễm trùng không được vệ sinh sẽ nặng lên, chứa đầy mủ và tạo ổ áp xe.
  • Đôi khi, viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hoặc sản xuất không đủ testosterone (thiểu năng sinh dục). Trường hợp này ít xảy ra hơn nếu viêm tinh hoàn chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn.

7. Phòng ngừa viêm tinh hoàn

Một số trường hợp viêm tinh hoàn không thể phòng ngừa ví dụ như các vấn đề về đường tiết niệu bẩm sinh. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp còn lại, bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc viêm tinh hoàn của mình bằng cách: 

  • Tiêm phòng bệnh quai bị, nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tinh hoàn do virus.
  • Thực hành tình dục an toàn, để giúp bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây viêm tinh hoàn do vi khuẩn.
  • Kiểm tra tuyến tiền liệt định kỳ nếu bạn trên 50 tuổi.

So với các bệnh lý khác tại tinh hoàn, viêm tinh hoàn không quá nguy hiểm. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, hầu hết nam giới khỏi bệnh và không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên, không nên chủ quan, khi có một trong các triệu chứng được nêu trên đây, đến cơ sở y tế ngay để được điều trị sớm và đúng.

Bình luận