Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xét nghiệm CEA trong máu và những điều bạn cần biết

(VOH) – CEA là xét nghiệm để theo dõi sự tái phát của một số loại ung thư, nhất là ung thư đại tràng ở những người đã chẩn đoán mắc bệnh. Đây không phải là xét nghiệm để tầm soát hay sàng lọc ung thư.

1. Xét nghiệm CEA là gì?

CEA là tên viết tắt của Carcinoma Embryonic Antigen, là một xét nghiệm dùng để đo mức kháng nguyên Carcinoembryonic (CEA) trong máu. CEA là một protein thường được tìm thấy trong mô của thai nhi. Nồng độ protein này trở nên rất thấp hoặc biến mất sau khi trẻ ra đời và thường nó không hiện diện trong máu của những người trưởng thành khỏe mạnh.

Xét nghiệm CEA dùng để đo hàm lượng CEA trong máu của những người mắc phải một số căn bệnh ung thư nhất định, đặc biệt là ung thư ruột già (ung thư đại tràng và trực tràng). Nó cũng có thể dùng cho những người được chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy, ung thư vú, buồng trứng hoặc phổi.

1.1 Thực hiện xét nghiệm CEA để làm gì?

Mục đích của việc thực hiện xét nghiệm CEA là dùng để:

  • Theo dõi việc điều trị của bệnh nhân điều trị ung thư đại tràng. Với một vài loại ung thư, xét nghiệm CEA dùng để kiểm tra mức độ lan rộng của khối u.
  • Chỉ số CEA đo được trước và sau khi phẫu thuật có thể dùng để đánh giá ca phẫu thuật có thành công hay không và khả năng hồi phục của bệnh nhân.
  • Mức CEA có thể được đo khi thực hiện hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Điều này sẽ giúp các bác sĩ đánh giá việc điều trị đã có kết quả tốt tới mức nào.
  • Dùng để kiểm tra xem ung thư có tái phát sau điều trị hay không.

xet-nghiem-cea-trong-mau-va-nhung-dieu-ban-can-biet-voh

Xét nghiệm CEA giúp dõi sự tái phát của một số loại ung thư, nhất là ung thư đại tràng (Nguồn: Internet)

1.2 Chỉ số xét nghiệm CEA có ý nghĩa gì?

Khi bệnh nhân có khối u nhỏ và ở giai đoạn đầu, chỉ số CEA lần đầu có thể bình thường hoặc cao hơn một chút.

Khi bệnh nhân có khối u lớn hơn hoặc khối u đã di căn khắp cơ thể, nhiều khả năng chỉ số CEA sẽ tăng cao.

Chỉ số CEA giảm sau điều trị, có nghĩa là hầu hết hoặc tất cả các khối u sản xuất CEA đã được cắt bỏ.

Chỉ số CEA tăng đều đặn sau phẫu thuật là dấu hiệu đầu tiên của khối u tái phát.

Chỉ số CEA  tăng có thể do một số điều kiện không liên quan đến ung thư, chẳng hạn như: viêm nhiễm, xơ gan, loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng, bệnh vú lành tính...

Lưu ý: Vì không phải tất cả các loại ung thư đều sản xuất CEA nên bệnh nhân có thể có bệnh ung thư nhưng mức độ CEA vẫn bình thường.

Bác sĩ CKI Trần Kim Long có trả lời thư bạn đọc trên báo Sức khỏe đời sống về các chỉ số CEA như sau:

  • Bình thường nồng độ CEA giới hạn từ 0 - 2.5mcg trong 1 lít máu (mcg/L), giới hạn bình thường có thể thay đổi giữa các phòng xét nghiệm khác nhau.
  • Ở người hút thuốc, nồng độ CEA có thể tăng giới hạn bình thường đến 5 mcg/L. Nồng độ CEA cao ở một người đã được điều trị ung thư trước đó một thời gian ngắn có thể có nghĩa là ung thư đã tái phát. Cao hơn mức bình thường có thể là do các ung thư như: ung thư vú, ung thư hệ sinh dục và tiết niệu, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến giáp.
  • Ngoài ra, nồng độ CEA cũng tăng trong một số nguyên nhân khác như: viêm túi mật, xơ gan và bệnh gan khác, viêm túi thừa, nghiện thuốc lá, bệnh lý viêm nhiễm ở ruột như viêm loét đại tràng, viêm phổi, viêm tụy, loét dạ dày.

2. Quy trình xét nghiệm CEA diễn ra như thế nào?

2.1 Chuẩn bị trước khi thực hiện xét nghiệm CEA

Người bệnh sẽ không cần phải chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm CEA. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bệnh nhân những thông tin về quá trình xét nghiệm.

2.2 Quy trình thực hiện xét nghiệm 

Thông thường, quy trình thực hiện xét nghiệm CEA sẽ được diễn ra như sau:

  • Người bệnh sẽ được quấn băng đàn hồi xung quanh cánh tay để chặn dòng máu chảy. Đồng thời cũng làm cho các tĩnh mạch dưới băng nổi rõ lên để có thể dễ chích kim vào tĩnh mạch.
  • Kim tiêm được làm sạch bằng chất không chứa cồn như povidone - iodine hoặc xà phòng sát khuẩn.

xet-nghiem-cea-trong-mau-va-nhung-dieu-ban-can-biet-1-voh

Quy trình thực hiện xét nghiệm CEA (Nguồn: Internet)

  • Chích kim vào tĩnh mạch (Có thể phải chích nhiều lần).
  • Gắn ống xi-lanh để chứa máu.
  • Tháo băng từ cánh tay khi đã lấy đủ lượng máu.
  • Đặt một miếng gạc hoặc bông gòn vào vị trích chích kim.
  • Đè lên vết kim chích sau đó dán băng lại.

2.3 Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm CEA

Thông thường, kết quả xét nghiệm CEA sẽ có trong vòng từ 1 – 3 ngày. Kết quả xét nghiệm sẽ được chia làm 2 dạng:

  1. Lượng kháng nguyên CEA bình thường

Lượng kháng nguyên CEA bình thường là thấp hơn 5 nanograms trên một mi-ni-lít (ng/ml) hoặc thấp hơn 5 micrograms trên một lít (mcg/l).

  1. Lượng kháng nguyên CEA cao

Khi kết quả xét nghiệm cho thấy CEA cao, điều đó có thể là do:

  • Bệnh ung thư bạn đang mắc phải không đáp ứng với phương pháp điều trị hiện tại.
  • Bệnh ung thư có thể đã tái phát sau khi điều trị. Ngoài ra, kết quả này còn thấy người có ung thư đang tiến triển hoặc ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể (di căn).

Trên đây là những chia sẻ về xét nghiệm CEA, tuy nhiên cần lưu ý những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế được đưa ra trong bài viết có thể không thống nhất ở các cơ sở thực hiện xét nghiệm bạn chọn. Vì thế, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về kết quả xét nghiệm, bạn nhé!

Bình luận