Quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho rằng: “Chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà lại tính tới bán thuốc online thì sẽ có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý”.
Đại biểu nhận định: “Ở trên không gian mạng, theo tôi thấy, các nội dung của dự thảo Luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử.
Đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn mà nền pháp lý đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn. Hiện nay, chưa phải là giai đoạn chín muồi bởi công tác chuẩn bị chưa đầy đủ.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điểm về kinh doanh được, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nhất trí với nội dung bổ sung quy định trong dự thảo Luật này bởi quy định phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Do đó, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc.
Đại biểu Uyên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.