Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đề xuất vận hành metro TPHCM theo mô hình hoạt động tích hợp

VOH - Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đề xuất UBND TPHCM xem xét việc áp dụng mô hình vận hành tích hợp cho hệ thống metro, tương tự Tập đoàn Quảng Châu Metro.

Đây là đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành và phát triển các tuyến metro trong tương lai, đồng thời đảm bảo sự tự chủ tài chính cho dự án.

Sau chuyến công tác học tập kinh nghiệm từ Quảng Châu, MAUR đã báo cáo với UBND TPHCM và đề nghị Sở Nội vụ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai mô hình tổng công ty đường sắt đô thị do thành phố nắm giữ 100% vốn điều lệ. 

Tổng công ty này sẽ đảm nhiệm các chức năng từ huy động vốn, đầu tư, xây dựng đến quản lý và vận hành hệ thống đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, tổng công ty còn có khả năng kinh doanh đa ngành dựa trên khai thác tài sản thuộc quản lý, giúp duy trì ngân sách tự chủ và cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách chất lượng cao.

Metro - 06062024
Tuyến metro số 1

Theo MAUR, mô hình tích hợp của Tập đoàn Quảng Châu Metro được xem là một ví dụ điển hình, với khả năng quản lý hiệu quả toàn bộ vòng đời của dự án – từ quy hoạch, xây dựng, vận hành đến bảo trì. Mô hình này giúp kiểm soát tốt tỷ lệ nợ và thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng đều đặn qua các năm, tạo ra một hệ sinh thái giao thông công cộng bền vững và hiệu quả.

Để hiện thực hóa đề xuất, MAUR đề nghị UBND TPHCM giao Sở Tài chính và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) phối hợp cùng các cơ quan liên quan tìm kiếm các nguồn lực tài chính đa dạng. Điều này không chỉ hỗ trợ đầu tư cho hệ thống metro mà còn giúp đa dạng hóa nguồn thu từ quá trình vận hành, khai thác hạ tầng đường sắt đô thị.

Ngoài ra, MAUR cũng kiến nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm khai thác hiệu quả các quỹ đất xung quanh nhà ga và dọc theo các tuyến metro. Kế hoạch này sẽ hướng tới phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng), tận dụng tối đa lợi thế hạ tầng giao thông để thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững.

Theo MAUR, mô hình metro tích hợp như Quảng Châu không chỉ giúp TPHCM có thể vận hành hiệu quả các tuyến metro mà còn mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển đô thị thông minh, lấy giao thông công cộng làm trung tâm. 

Đây được xem là bước đi cần thiết để đảm bảo thành phố có một hệ thống giao thông hiện đại, tự chủ tài chính và phù hợp với chiến lược phát triển đô thị trong tương lai.

Bình luận