Nét đẹp trong văn hóa truyền thống của 54 dân tộc

Sáng 15/2, tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc VN (Đồng Mô, Hà Nội), Bộ VH-TT-DL tổ chức Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" Xuân Ất Tỵ 2025. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường tới tham dự các hoạt động văn hóa, chúc tết cộng đồng các dân tộc VN.
Ngày hội năm nay có sự tham gia của hơn 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân của của 28 cộng đồng dân tộc, 29 lượt cộng đồng huy động của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền.
Phát biểu tại Ngày hội, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ vui mừng được về dự Ngày hội. Chủ tịch nước nhấn mạnh, một trong những giá trị quan trọng nhất của nền văn hóa truyền thống 54 dân tộc anh em chính là tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, đã tạo sức mạnh nội sinh, là nền tảng giúp dân tộc VN vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VN ngày nay.
Văn hóa truyền thống của 54 dân tộc là tài sản vô giá, là nguồn lực vô cùng quý báu để chúng ta xây dựng một VN hùng mạnh. Chủ tịch nước đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, hiệu quả việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển KT-XH, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào, có những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Đề xuất hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mới

Nếu được thông qua, chính sách có hiệu lực từ 1/1/2026. Dự kiến khoảng 614.000 người thụ hưởng. Tổng kinh phí gần 709 tỉ đồng.
Người đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ, dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và người thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình ở thủ đô cũng thuộc diện hỗ trợ.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ thêm 70% mức đóng nếu thuộc hộ nghèo, thêm 75% nếu thuộc hộ cận nghèo và thêm 20% nếu thuộc nhóm khác.
Các mức hỗ trợ thêm này ngoài mức người dân được hỗ trợ theo nghị định 134/2015 ngày 29/12/2025.
Cơ quan soạn thảo còn đề xuất hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm y tế trong vòng 36 tháng cho các thành viên thoát nghèo, cận nghèo (tính từ lúc được công nhận).
Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi không thuộc diện tham gia bắt buộc và chưa có thẻ, hay người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế (trừ trẻ dưới 16 tuổi), người dân tộc thiểu số thuộc nhóm đóng bảo hiểm y tế bắt buộc (chưa có thẻ) cũng được hỗ trợ 100% như trên.
Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn của Hà Nội song chưa có thẻ bảo hiểm y tế đang học ở thủ đô (cả công lập và ngoài công lập) được hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm y tế.
Còn người thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn của thành phố được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm tế.
Đi xe máy đeo tai nghe gây tai nạn sẽ bị phạt nặng

Tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định tài xế xe máy không được thực hiện một số hành vi.
Trong đó có sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Như vậy người lái xe máy không được sử dụng "thiết bị âm thanh", trừ thiết bị trợ thính khi lái xe.
Thiết bị âm thanh ở đây được hiểu là tai nghe không dây hoặc tai nghe có dây. Thiết bị này có thể dẫn đến việc mất tập trung khi lái xe, trong khi pháp luật quy định người điều khiển phương tiện tập trung và chú ý quan sát.
Sử dụng thiết bị âm thanh khi lái xe nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn, bởi vậy hành vi này vi phạm điều cấm của pháp luật.
Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp dẫn đến thiếu chú ý quan sát gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn tại nghị định 168/2024 quy định 800.000 - 1 triệu đồng với tài xế sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.
Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm GPLX.
Trường hợp sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang chạy xe máy mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền 10 - 14 triệu đồng, và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
TPHCM đề xuất giao việc cho công chức thuộc diện 'người tài'

UBND TPHCM vừa có văn bản về việc phân công, giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu các nhiệm vụ trọng yếu, chiến lược, đột phá cho công chức, viên chức được tuyển chọn để áp dụng chính sách theo Nghị quyết 25/2023 của HĐND TPHCM (gọi tắt là người tài).
Cụ thể, các sở ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức khẩn trương rà soát, đăng ký các đề án, đề tài, dự án, công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học có quy mô cấp thành phố được phân công mà hiện nay cần có đội ngũ nhân lực chất lượng cao đảm nhận nhiệm vụ (do nguồn lực tại chỗ chưa đảm bảo được yêu cầu về tiến độ và chất lượng).
Khi tiếp nhận các các nhân sự này, lãnh đạo đơn vị phải kịp thời cung cấp thông tin, bố trí cơ sở vật chất, điều kiện làm việc phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ phát huy vai trò, trí tuệ, năng lực chuyên môn.
TPHCM lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao phối hợp, hỗ trợ phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, thực hiện đầy đủ những phần việc có tính chất minh họa, bổ sung, phụ trợ trong khuôn khổ quyền hạn và điều kiện của mình.
Các trường hợp được tuyển chọn theo diện người tài thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, công việc của tác giả chính và không được phân công lại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác làm thay phần nhiệm vụ chính của mình.
Bình Phước triệt phá đường dây ma túy liên tỉnh

Theo cơ quan công an, từ cuối tháng 10/2024, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện một đường dây ma túy, hoạt động liên tỉnh.
Chuyên án sau đó được thành lập do đại tá Lâm Văn Long, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Phước làm Trưởng ban, giao Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04) làm cơ quan thường trực.
Sau thời gian dài theo dõi, trong 2 ngày (12 - 13/11/2024), Ban chuyên án đã triệt phá giai đoạn đầu, bắt giữ và khởi tố 15 bị can với các hành vi mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ khoảng 6 kg ma túy tổng hợp các loại.
Nhận thấy đường dây vẫn còn hoạt động, Ban chuyên án đã tiếp tục mở rộng điều tra xuyên Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và xác định kẻ cầm đầu đường dây này chính là N.T.A (37 tuổi, ngụ TP.Đồng Xoài, Bình Phước). N.T.A có quan hệ với các đối tượng bên Campuchia, tổ chức vận chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn về Việt Nam. Đóng vai trò giúp sức đắc lực là L.V.Q.K (32 tuổi, ngụ TP.Đồng Xoài), người trực tiếp nhận và giao ma túy. Thủ đoạn hoạt động của đường dây này rất tinh vi, chủ yếu liên hệ qua mạng xã hội như Telegram, Zalo…
Đến ngày 13/2/2025, Ban chuyên án đã tổng lực ra quân, bắt quả tang L.V.Q.K đang tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ khoảng 5 gram ma túy tổng hợp. Ngay sau đó, N.T.A cũng bị bắt khẩn cấp, cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.
Cảnh báo xâm nhập mặn cao tại Cà Mau
Ngày 16/2, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, từ ngày 11 – 20/2, tình hình xâm nhập mặn khu vực tỉnh này ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ năm 2024 (ranh mặn 4‰).
Ranh mặn 4‰ trên các sông chính như Gành Hào, Ông Đốc và kênh xáng Chắc Băng có thể xâm nhập sâu từ 60 - 70 km. Độ mặn tại các điểm đo dự kiến tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa của tỉnh.
Cũng theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Cà Mau, từ tháng 3 đến tháng 5/2025, khu vực này có thể đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong đó, nửa cuối tháng 2 và tháng 3 sẽ có 2 - 3 đợt mưa trái mùa. Đến tháng 4 và nửa đầu tháng 5, tình trạng nắng nóng cục bộ có thể xuất hiện với nhiệt độ cao nhất từ 34 - 36 độ C.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Sở NN-PTNT được giao nhiệm vụ xác định cụ thể các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để tham mưu giải pháp phù hợp. Công tác cấp nước được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt và bảo vệ vùng ngọt hóa trước nguy cơ xâm nhập mặn.