Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gần 400 điểm nguy cơ sạt lở tại Lâm Đồng

LÂM ĐỒNG - Ngày 17/9, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết qua rà soát trên địa bàn có gần 400 điểm có nguy cơ sạt lở, nhiều điểm có nguy cơ gây hại đến các công trình dân sinh công cộng, nhà dân.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh này có 510 vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét, ngập úng. Trong đó, có 396 vị trí nguy cơ sạt lở, 101 vị trí ngập úng, lũ quét, 3 vị trí sụt lún.

Tại thành phố Đà Lạt có 50 khu vực đã sạt lở đất cục bộ; thành phố Bảo Lộc có 118 khu vực; huyện Đam Rông cũng có 47 khu vực sạt lở, Lâm Hà có 7 khu vực.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cùng với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra tình trạng sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương này mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750 - 3.150mm/năm.

lam-dong-sat-lo
Đường đèo Tà Nung tại Đà Lạt bị sạt lở - Ảnh: TTO

Lâm Đồng cũng là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân của cả nước. Chính vì lượng mưa cao, kéo dài nhiều ngày nên đã làm nền đất bị yếu, gây sạt lở, sạt trượt.

Để cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc cử lực lượng chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.

Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực sông suối, sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đồng thời lập bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét để làm cơ sở quản lý quy hoạch, xây dựng công trình; xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm sạt lở, ngập lụt.

Trong tháng 7/2024, Lâm Đồng xảy ra hai vụ sạt lở đất tại thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) chỉ cách nhau khoảng 50 mét khiến 3 người dân thiệt mạng.

Bình luận