Các đối tượng sử dụng video ghép khuôn mặt, giọng nói để đóng giả người nổi tiếng, lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí cả người thân của nạn nhân nhằm lừa đảo tài chính.
Một số vụ việc gần đây cho thấy tội phạm deepfake không chỉ tập trung vào các vụ đầu tư tài chính giả mạo mà còn mở rộng sang lừa đảo tình cảm (AI romantic scams). Các đối tượng tạo ra những nhân vật hư cấu, thực hiện cuộc gọi video giả, tương tác với nạn nhân để lấy lòng tin trước khi yêu cầu chuyển tiền với lý do khẩn cấp.
Mới đây, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều người bị lấy cắp hình ảnh, video từ mạng xã hội, sau đó bị chỉnh sửa, cắt ghép để đe dọa, tống tiền. Một số nạn nhân bị phát tán các hình ảnh nhạy cảm giả mạo để bị ép buộc đưa tiền chuộc.

Không chỉ deepfake, giả mạo giọng nói (voice fakes) cũng đang là xu hướng phổ biến trong lừa đảo công nghệ cao. Nhiều ngân hàng sử dụng xác thực bằng giọng nói đã bị kẻ gian khai thác, giả lập giọng nói chủ tài khoản để thực hiện giao dịch.
Gần đây, một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bị triệt phá, nhóm tội phạm đã chiếm đoạt 46 triệu USD từ các nạn nhân tại Singapore, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác bằng công nghệ deepfake và voice fakes.
Ngoài ra, một hình thức lừa đảo khác đang quay trở lại là "cuộc gọi mồi" – các số điện thoại lạ gọi đến rồi tắt máy ngay lập tức, khiến người dùng tò mò gọi lại. Khi thực hiện cuộc gọi này, nạn nhân có thể bị tính phí viễn thông rất cao hoặc bị đưa vào các hệ thống lừa đảo tự động.
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới
Cục An toàn thông tin đã đưa ra khuyến cáo đối với người dân:
- Hạn chế đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh bị lợi dụng.
- Kiểm tra kỹ nguồn gốc video, cuộc gọi trước khi tin tưởng hay thực hiện giao dịch tài chính.
- Không gọi lại các số điện thoại lạ nếu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các số chỉ đổ chuông trong thời gian ngắn.
- Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP qua điện thoại, tin nhắn hoặc email từ người lạ.
- Cảnh giác với những đề nghị đầu tư hấp dẫn từ người nổi tiếng trên mạng xã hội – đây có thể là deepfake.
- Không nhấn vào các đường link lạ, tránh bị lừa đảo chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng.
Lừa đảo bán hàng giả mạo gia tăng
Bên cạnh lừa đảo công nghệ cao, nhiều đối tượng còn sử dụng hình thức bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội. Chúng tạo lập trang giả mạo doanh nghiệp, sử dụng con dấu và giấy tờ giả để tạo lòng tin. Khi có người đặt hàng, chúng yêu cầu đặt cọc rồi sau đó biến mất.
Mới đây, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã điều tra vụ lừa đảo bán pin xe máy điện, đối tượng sử dụng con dấu giả để giao dịch, chiếm đoạt tiền của nhiều khách hàng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không chuyển khoản trước khi nhận hàng, cần xác minh kỹ nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra thông tin người bán trước khi giao dịch.
Cơ quan chức năng tiếp tục cảnh báo rằng lừa đảo công nghệ cao sẽ ngày càng phổ biến, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của AI và deepfake. Người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, bảo vệ thông tin cá nhân, tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.