Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kỳ vọng sẽ có những giải pháp, đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Tại Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 243 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức mới đây, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM đã có những thông tin chia sẻ với doanh nghiệp về sự cần thiết phải sửa Luật; mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014. Sau gần 7 năm thi hành (kể từ ngày Luật có hiệu lực 01/01/2016 đến nay), Luật đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn cũng như dài hạn. Song với sự xuất hiện nhiều tình huống mới, nhất là hậu COVID-19 thì nhiều nội dung không còn phù hợp. Việc Quốc hội quyết định sửa đổi Luật là một yêu cầu thiết thực, tất yếu.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm:
(1) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt;
(2) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH;
(3) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội);
(4) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH;
(5) Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm:
(1) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng;
(2) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;
(3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
(4) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện;
(5) Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm;
(6) Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần;
(7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH;
(8) Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc;
(9) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW;
(10) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả;
(11) Về chi phí quản lý BHXH.
Trên cơ sở của Hiến pháp năm 2013, sự ra đời của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã xác định rõ mục tiêu: "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch".
Ngoài ra, Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng đề ra định hướng: Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, đề nghị Dự thảo luật nên quy định: đảo phương án 2 thành phương án 1 của dự thảo luật và phương án 2 giữ như quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội hiện hành.
Mục tiêu của chính sách bảo hiểm xã hội là để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của hiến pháp, cần thiết phải tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức vì một xã hội tốt đẹp, bảo hiểm xã hội bao phủ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.