Hai năm trước, bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan B mạn tính và được chỉ định dùng thuốc kháng virus để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, người bệnh không tuân thủ điều trị, uống thuốc không đều đặn, đặc biệt đã tự ý dừng thuốc hơn một tháng trước khi nhập viện.
Sau khoảng hai tuần ngừng thuốc, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, sợ dầu mỡ nhưng không đi khám. Đến tuần thứ ba, vàng da rõ rệt, nước tiểu sậm màu, bụng chướng. Tuần thứ tư, bệnh nhân phù toàn thân, xuất huyết dưới da, nhận thức chậm và phản ứng kém.
Gia đình đưa bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch với cổ trướng lớn, suy gan tiến triển. Dù đã lọc máu và lọc huyết tương hai lần tại tuyến dưới nhưng tình trạng không cải thiện, bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn tính, hôn mê gan độ 2. Xét nghiệm cho thấy chỉ số bilirubin lên tới 400 µmol/L (bình thường dưới 17 µmol/L), rối loạn đông máu nghiêm trọng, dấu hiệu suy thận do hội chứng gan-thận.
Theo bác sĩ Đới Ngọc Anh (Khoa Viêm gan), khi người mắc viêm gan B tự ý dừng thuốc, virus có thể tái hoạt động mạnh mẽ, gây viêm gan cấp và tổn thương gan nghiêm trọng. Triệu chứng ban đầu thường nhẹ, nhưng sau vài tuần, vàng da, vàng mắt, phù toàn thân, xuất huyết dưới da và hôn mê gan có thể xuất hiện. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê sâu, suy đa tạng và tử vong.
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Ngay cả khi dùng thuốc kháng virus, bệnh nhân vẫn có nguy cơ mắc ung thư gan, do đó cần khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm soát bệnh. Bác sĩ Ngọc Anh nhấn mạnh, việc tự ý dừng thuốc có thể khiến virus bùng phát, đẩy nhanh quá trình xơ gan và làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Ông khuyến cáo người mắc viêm gan B cần tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý dừng thuốc và duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm biến chứng, nâng cao hiệu quả điều trị.