Chờ...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần những ‘cú hích’ để xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD

VOH - 6 tháng năm 2023 xuất khẩu thủy sản liên tục giảm, mặt hàng tôm giảm sâu nhất với gần 40%, cá ngừ giảm hơn 30%.

Thị trường chưa phục hồi như kỳ vọng 

Xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp gần 10 tỷ USD/năm. Năm 2022 xuất khẩu thủy sản lần đầu đạt 11 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2023 mới chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022. Giảm mạnh nhất 50% tại thị trường Mỹ, thị trường EU giảm gần 32% và giảm hơn 25% ở thị trường Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lượng tồn kho lớn, tiêu thụ kém, các nhà nhập khẩu hạn chế nhập khẩu hoặc chỉ nhập với giá thấp, khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm sâu. Thị trường Trung Quốc, mở cửa sau Covid 19, giao thương dễ dàng hơn, nhưng nhu cầu thị trường chưa hồi phục như dự đoán.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần những ‘cú hích’ để xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD 1
Xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp gần 10 tỷ USD/năm - Ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn

5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ giảm 31%, xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 13% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường doanh thu hơn 1,1 tỷ USD  nhưng giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, người nuôi trồng gặp nhiều lo lắng 

Về nguyên nhân, ông Đỗ Ngọc Tài - Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tàu Kim Anh phân tích, giá bán giảm, cước tàu giảm khoảng 8 %. Nguồn cung tôm từ Ecuador, Ấn Độ, giá rẻ hơn 20%-30% so với Việt Nam;Tất cả các nước nhập khẩu nhu cầu tiêu thụ chậm do tình hình chi tiêu tiết kiệm, lãi suất cao; trong lúc chi phí kho tăng cao dẫn đến tâm lý ngại nhập khẩu, kể cả bị ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP cho biết, từ thực tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã và đang dè chừng, thu hẹp sản xuất, còn người nuôi trồng thủy sản chưa có niềm tin khả quan từ thị trường để mạnh dạn phát triển.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngoài yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan từ sản xuất trong nước. Tình trạng con giống tôm đầu vào bị nhiễm khuẩn, mầm bệnh từ trại giống với tỷ lệ khá cao, khiến việc nuôi tôm bị ảnh hưởng, làm tôm chậm lớn, tỷ lệ thu hồi đầu con thấp. Người nuôi phải chấp nhận giá bán thấp theo giá thế giới, trong khi giá thành đầu vào lại cao. Dẫn đến người nuôi trúng tôm vẫn không có lời thậm chí có thể bị lỗ.

Ông Lực đề xuất, phải giảm được giá thành, nâng cấp trình độ chế biến, chủ động tính toán chứ không thể bán với bất kỳ giá nào. Giá xuống thấp quá thì mặt hàng cao cấp phải có một tỷ lệ giảm tương ứng. Phải giảm được giá thành tôm nuôi trong nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần những ‘cú hích’ để xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD 2

  Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một nguyên nhân nội tại nữa là các doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ trong nuôi trồng, sản xuất. Hiện nay nuôi cá tra vẫn còn nhỏ lẻ, quản lý dịch bệnh chưa tốt, chưa chú trọng công tác phát triển giống.

“Cần quan tâm đến chương trình chọn giống, kháng bệnh, hoàn thiện quy trình ươm giống có tỷ lệ sống cao và sức khỏe tốt. Các giải pháp thức ăn tự nhiên giai đoạn đầu của con giống, các phương pháp phòng và trị bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Vẫn chưa có nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt được giấy chứng nhận sản xuất và nuôi dưỡng giống thủy sản”, Bà Tâm đề nghị.

Đối với việc khai thác thủy sản, bà Cao Thị Kim Lan - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ về truy xuất nguồn gốc, số hóa việc khai thác điện tử để doanh nghiệp thuận lợi hơn. Cần quan tâm đến ý thức tái tạo, bảo vệ nguồn lợi, chứ hiện nay nguồn lợi và số lượng nguyên liệu khai thác càng ngày càng giảm. Về nguyên liệu nhập khẩu cần phải hợp pháp và điều tiết cân bằng với nguyên liệu trong nước để dựng hòa nguồn lợi trong nước.

Vấn đề khó khăn dễ nhận thấy nhất hiện nay là việc tồn kho quá nhiều ở các doanh nghiệp, làm dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc nghẽn, với lãi suất cao, hao hụt tồn kho nhiều sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng.

Ông Hàng Văn - Phó giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang hiến kế, tất cả các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để cân đối cho mùa vụ tới. Làm sao kéo giá nguyên liệu bằng những năm trước. VASEP cùng các doanh nghiệp ngồi lại với nhau, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương có những chính sách hỗ trợ cụ thể thế nào để hạ thấp giá thành thức ăn cho cá.

Mục tiêu đạt 10 tỷ USD đối diện nhiều thách thức 

Về giải pháp để đạt chỉ tiêu xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nóng và gay gắt nhất chính là tín dụng.

“Thứ nhất là lãi suất, tiếp theo là quy mô và thứ ba là thời gian vay vốn. Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất và tăng tín dụng room và thời gian cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng” , ông Tiến nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT, cần phải quan tâm đồng bộ tất cả các khâu trong một chuỗi, vì đang từ chuỗi ngành hàng sang chuỗi giá trị, từ đơn giá trị sang đa giá trị và từ sản xuất sang kinh tế…, cần phải tính toán khi đã hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi phân phối toàn cầu.

Hiện nay hạ tầng của nông nghiệp và thủy sản còn ‘rất yếu’, rất cần có chủ trương từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư cho hạ tầng thủy sản để đảm bảo năng suất, chất lượng của vật nuôi.

Cần phải quan tâm đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần có chiến lược nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Yếu tố xúc tiến thương mại cũng cần linh hoạt thay đổi theo sự biến động thị trường.

"Cần đẩy nhanh chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo được tiêu chí của các thị trường", ông Tiến nói

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao là hai khái niệm khác nhau. 

Nông nghiệp công nghệ cao là phải có vùng lõi và vùng lan tỏa, rồi đến vùng sản xuất, vùng lõi là những nghiên cứu, những đổi mới sáng tạo, từ đổi mới nghiên cứu sáng tạo ở vùng lõi nhân ra vùng lan tỏa đến vùng sản xuất. Đó là một cấu trúc không thể thay đổi được. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì tương đối rộng rãi. 

Còn các khu nông nghiệp công nghệ cao thì lại là bài toán, mới chủ yếu làm được hạ tầng, còn mời gọi các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia, các viện, trường vào để xây dựng vùng lõi căn cốt, gọi là công nghệ nguồn, công nghệ lõi để đưa sang vùng lan tỏa vào vùng sản xuất thì còn rất hạn chế.

Trong chăn nuôi chủ yếu ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào một số doanh nghiệp, còn xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao thì còn rất hạn chế, Thứ trưởng Tiến nói.

Thời gian tới Chính phủ, Bộ và các tỉnh đã phê duyệt một số vùng nông nghiệp công nghệ cao nhưng vấn đề là tổ chức mời gọi được các thành phần trong khu nông nghiệp cao đó để hoạt động theo ba tuyến để tạo ra hiệu quả.

Tất cả vẫn đang là thách thức để đạt mục tiêu 10 tỷ USD cho xuất khẩu thủy sản 2023.