Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nuôi trồng thủy sản quy mô lớn

(VOH) – Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Buổi cà phê sáng nay, Ba thợ hồ cùng Tư hưu trí vui vẻ nói về chuyến đi huyện Cần Giờ cuối tuần qua để tranh thủ tận hưởng không khí biển và thưởng thức nhiều món hải sản với giá cả phải chăng, sẵn cao hứng bàn luận sang cả chuyện nuôi trồng hải sản tại địa phương này.

Nghe tới đây thì Hai Sài Gòn thấy “ngứa ngáy” chịu hết nổi bèn chen ngang: Nè, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghĩa là sắp tới phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hai anh có biết chưa vậy!

Thưa bà con!

Chẳng là vào ngày 04/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1664 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chính nhằm phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nghe Hai Sài Gòn chen ngang giữa chừng khiến Ba thợ hồ có phần lúng túng trong khi Tư hưu trí thì vuốt râu cười nhẹ: Tui biết chớ Hai Sài Gòn! Nói cụ thể hơn một chút thì Đề án được phê duyệt theo Quyết định 1664 của Chính phủ hướng tới việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời qua đó giải quyết nhu cầu việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân ven biển, cũng như quan trọng không kém là góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Chuyện phố phường: Nuôi trồng thủy sản quy mô lớn
Ảnh minh họa.

Nghe đến đây thì Hai Sài Gòn cùng Ba thợ hồ đều gật gù nhưng ở hai trạng thái có phần khác nhau, một người thì dần nắm bắt vấn đề rõ hơn, người còn lại là Hai tui thì hào hứng tiếp lời: Anh Tư nói đúng! Hai Sài Gòn xin bổ sung thêm thông tin chi tiết là Đề án đặt mục tiêu cụ thể là diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3 với sản lượng nuôi biển đạt 850 ngàn tấn, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 800 triệu đến 1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 và hướng đến cột mốc khoảng 2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Còn riêng tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ hướng đến việc nâng tầm ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại, trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.

Tới lúc này thì Ba thợ hồ không chỉ còn gật gù thôi mà còn bất giác buộc miệng hỏi: Nghe hai anh chia sẻ thông tin nghe thấy “mê” quá nhưng mà không biết Chính phủ tính thực hiện giải pháp ra sao để cụ thể hóa những mục tiêu này?

Tư hưu trí dường như “bắt mạch” ông bạn già sớm muộn gì cũng sẽ hỏi câu này nên nhanh nhảu trả lời ngay: Xin chia sẻ với anh Ba cùng bà con cô bác rằng Chính phủ định ra hai hướng chính để triển khai Đề án này. Một là “Đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển” và hai là “Hình thành vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm”. Ở vế thứ nhất thì mình có thể hiểu đơn giản hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ phát triển nuôi biển xa bờ. Song song đó thì các đội tàu dịch vụ hậu cần thiệt “xịn” để phục vụ nuôi biển theo hướng đa chức năng cũng sẽ hình thành.

Hai Sài Gòn tui nghe xong lại tiếp tục gật gù và tiếp lời anh Tư: Với vế thứ hai thì Đề án xác định rõ các nhóm sản phẩm chủ lực cho nuôi gần bờ lẫn xa bờ. Ngoài ra, Chính phủ cũng xây dựng chiến lược, trong đó, khu vực các tỉnh thành ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình tập trung phát triển nuôi biển ở các tỉnh gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia, xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước, cũng như khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh được xây dựng  trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn.

Còn với các tỉnh thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tập trung phát triển nuôi biển gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản cụ thể với mặt hàng giống cá biển, rong, tảo biển, sinh vật cảnh tập trung và tôm hùm. Sau cùng là khu vực các tỉnh thành phố từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang sẽ gắn kết hài hòa nuôi biển với dịch vụ, du lịch sinh thái biển, dầu khí, điện gió song song với phát triển công nghiệp chế biến.

Đến đây thì Ba thợ hồ chịu hết nổi bèn lên tiếng để tranh phần kết luận “hội nghị” cà phê bàn tròn buổi sáng: Nghe hai anh thông tin vậy tui thấy mừng thiệt đó! Giờ thì mong Chính phủ cùng Bộ ngành chức năng và địa phương triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiệu quả, thuận lợi. Để qua đó, giúp lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển thật sự “chắp cánh” trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại và bền vững, phải không hai anh!

Hai Sài Gòn và Tư hưu trí nhìn nhau rồi đồng thanh: Phải!

Bình luận