Theo World Journal, một cô gái sống tại thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) chia sẻ về tình trạng của ông bà mình. Cả hai người đều nghiện điện thoại, mở mắt ra là cầm điện thoại, chơi liên tục từ sáng đến khuya. Ông cụ thậm chí có những ngày xem đến tận rạng sáng.
Dù gia đình đã nhiều lần khuyên nhủ, nhưng hai ông bà vẫn không thể bỏ thói quen này.

Khi đi kiểm tra mắt, bác sĩ xác nhận ông cụ bị loạn thị 3 độ, mức độ ảnh hưởng đáng kể đến thị lực. Tuy nhiên, tình trạng của bà cụ còn nghiêm trọng hơn: mắt trái bị cận tới 23 độ, mức cao đến nỗi máy đo thông thường cũng không thể cho ra kết quả chính xác.
"Từ khi đại dịch xảy ra, bà tôi suốt ngày xem điện thoại. Thị lực của bà ngày càng kém đi, đến giờ đã không thể nhìn rõ nữa", cháu gái của bà cụ chia sẻ.
Theo bác sĩ Phó Ánh Huy, Trưởng khoa Cận thị cao độ, Bệnh viện Mắt Chiết Giang, cận thị trên 6 độ đã được coi là cao, trên 10 độ là siêu cao. Riêng cận thị trên 20 độ là trường hợp cực hiếm, không thể đo bằng máy móc thông thường mà cần dựa vào trục nhãn cầu và kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ.
Giáo sư Trạch Trường Bân, Giám đốc Trung tâm khúc xạ Bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh, nhận định cận thị 23 độ thuộc dạng cận thị bệnh lý và có nguy cơ cao gây biến chứng nghiêm trọng.
"Dùng điện thoại quá nhiều là một trong những nguyên nhân làm tăng mức độ cận thị. Với trường hợp của bà cụ, cần kiểm tra chuyên sâu đáy mắt để đánh giá chức năng võng mạc và có phương án điều trị phù hợp", ông Trạch cho biết.
Vì sao người lớn tuổi dễ nghiện điện thoại?
Hiện tượng người lớn tuổi nghiện điện thoại, mạng xã hội không còn hiếm gặp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính có thể xuất phát từ:
Cảm giác cô đơn: Nhiều người cao tuổi không có nhiều hoạt động giao tiếp xã hội, nên họ tìm đến điện thoại để giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài.
Sự tò mò, thích khám phá: Mạng Internet chứa đựng vô số thông tin mới mẻ, khiến người lớn tuổi bị cuốn vào, khó dứt ra.
Thời gian rảnh rỗi nhiều: Khi không có việc gì làm, họ dễ dàng dành hàng giờ để xem tin tức, chơi game hoặc xem video trên điện thoại.
Lời khuyên của bác sĩ
Để hạn chế nguy cơ cận thị nặng, thoái hóa võng mạc và các bệnh lý mắt khác, người cao tuổi cần:
Giảm thời gian dùng điện thoại, nên có khoảng nghỉ mỗi 30 phút để mắt thư giãn.
Hạn chế sử dụng điện thoại vào ban đêm, tránh ánh sáng xanh tác động đến mắt và giấc ngủ.
Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt, như cá hồi, rau xanh, cà rốt...
Khám mắt định kỳ để kiểm tra tình trạng võng mạc, phát hiện sớm các vấn đề thị lực.
Nhìn điện thoại quá lâu không chỉ ảnh hưởng mắt mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng cần sử dụng thiết bị điện tử một cách khoa học để bảo vệ đôi mắt của mình.