Đăng nhập

Nữ CEO trẻ dành trọn tâm huyết cho chuyển đổi số tại Việt Nam

(VOH) - Với những ý tưởng sáng tạo độc đáo, một nữ CEO trẻ đã và đang từng bước đưa chuyển đổi số trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp và thế hệ trẻ khởi nghiệp.

Là người đã dành trọn tâm huyết, góp công sức lớn cho nhiều sự kiện liên quan đến chuyển đổi số, sắp tới là sự kiện lớn về Thư viện số hóa vải vóc đầu tiên tại Việt Nam.

Viện trưởng Viện ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mê Kông – Giám đốc đối ngoại công ty Cổ phần giải pháp dệt may Bền Vững CEO Nguyễn Thị Thúy Phượng chia sẻ cùng VOH xoay quanh vấn đề chuyển đổi số ở Việt Nam.

Nữ CEO trẻ dành trọn tâm huyết cho chuyển đổi số tại Việt Nam 1Xem toàn màn hình
CEO Nguyễn Thị Thúy Phượng tiên phong trong các hoạt động chuyển đổi số - Ảnh: Thủy Tiên

*VOH: Là một trong những người tâm huyết với vấn đề chuyển đổi số, chị đã có những việc làm cụ thể gì trong việc chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công việc rõ rệt hơn ?

CEO Nguyễn Thị Thúy Phượng: Chính phủ đã triển khai chỉ đạo về chuyển đổi số từ hơn hai năm nay, đây là một tín hiệu rất mừng, nên những công việc chúng tôi sẽ đi vào giai đoạn cụ thể hơn.

Trong lĩnh vực dệt may, lần đầu tiên chúng tôi xây dựng một thư viện về vải vóc và một trung tâm thông tin về dệt may đầu tiên trên cả nước. Thư viện này có hơn 325 ngàn mẫu vải đã được số hóa, gồm nguồn cung, giá cả ra sao, các thông tin từ nhà máy như thế nào…

Đây là một cách dễ dàng nhất để cho doanh nghiệp gặp gỡ được với các nhà cung ứng. Chúng tôi sẽ đi vào những khía cạnh cụ thể hơn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

*VOH: Thời gian qua chị đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở những lĩnh vực nào và điểu gì khiến cho chị tâm đắc nhất hiện nay?

CEO Nguyễn Thị Thúy Phượng: Ngoài lĩnh vực dệt may,chúng tôi còn quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực số tại các địa phương và các doanh nghiệp.

Ở lĩnh vực ẩm thực, những thông tin của các đầu bếp, các nhà hàng đều được chúng tôi số hóa, để khách du lịch đến bất cứ nơi nào có thể tìm hiểu được đầy đủ thông tin, sẽ có những buổi trò chuyện với chef thông qua các hồ sơ và profile mà chúng tôi chuyển đổi số.

Về du lịch, chúng tôi chuyển đổi số - tích hợp thông tin các địa danh để góp phần giúp cho khách du lịch đến các nơi sẽ có thể có được thông tin nhanh nhất.

Cái tâm đắc nhất chính là đào tạo, đây chính là chìa khóa then chốt để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, để nó không chỉ mang tính chất là hình thức trên giấy tờ nữa mà bắt buộc phải có con người vận hành.

Chúng tôi hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, liên kết với các đối tác ở nước ngoài để đào tạo và cấp chứng chỉ số đi kèm cho các doanh nghiệp. Kể cả là người nông dân thì cũng sẽ có được những kỹ năng số. 

*VOH: Theo chị, để người dân vùng nông thôn có thể tiếp cận với chuyển đổi số trong việc làm ăn, kinh doanh, tiến đến “con người số” thì cần làm gì?

CEO Nguyễn Thị Thúy Phượng: Chuyển đổi số chúng ta làm đến nay là năm thứ ba, thứ tư rồi, nên về hạ tầng số đã được các địa phương triển khai khá đồng bộ, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone cũng không ít, người dân sử dụng các mạng xã hội cũng không phải là hiếm nữa.

Đối với các hộ kinh doanh cá thể, các hợp tác xã nông nghiệp, chúng tôi chủ động phối hợp với địa phương và các đơn vị đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng, vừa mang tính hỗ trợ, vừa có thu phí sau khi họ học xong giai đoạn cơ bản, có thể tạo ra giá trị gia tăng thu nhập.

*VOH: Cảm ơn chị.

Bình luận