Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ăn gì giúp thông huyết mạch?

(VOH) - Việc thông huyết mạch là giúp dọn các mảng bám trong lòng mạch máu, tăng độ đàn hồi của mạch máu, giúp máu lưu thông tốt hơn.

Khi nhiệt độ xuống thấp, thời tiết trở lạnh cần đặc biệt cẩn thận với người cao tuổi, người có huyết áp cao, đường huyết cao và mỡ máu cao, người hút thuốc lá, người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, những người này là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ.

Việc thông huyết mạch là giúp dọn các mảng bám trong lòng mạch máu, tăng độ đàn hồi của mạch máu, giúp máu lưu thông tốt hơn. Sau đây chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ cách thông huyết mạch, bảo vệ hệ tim mạch và làm ấm cơ thể từ thực phẩm trong thời tiết trở lạnh.

Ăn gì giúp thông huyết mạch? 1
 Ăn cá ba lần một tuần, giúp làm sạch các mảng bám trong mạch máu, cải thiện lưu thông máu và giảm cục máu đông (Nguồn TVBS)

Thời tiết lạnh hơn có thể tác động xấu đến cơ tim và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Để tránh xa bệnh tim hay đột quỵ trong thời tiết lạnh, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan – Trung Quốc Li Yuehui cho biết, có thể dùng những thực phẩm sau đây giúp làm ấm cơ thể, thông huyết mạch và bảo vệ hệ tim mạch.

Ăn nhiều chất béo tốt

Chuyên gia Li Yuehui giải thích rằng, chất béo có thể giúp cơ thể cải thiện khả năng chống lạnh, trì hoãn quá trình làm rỗng dạ dày và giảm cảm giác đói. Mỗi bữa ăn nếu được bổ sung chất béo tốt có nguồn gốc từ thực vật, như từ các loại hạt, quả bơ, dầu sacha inchi …… rất giàu OMEGA-3 và axit α-linolenic (ALA) thì có thể làm giảm cholesterol, giúp máu huyết lưu thông tốt và ngăn ngừa cục máu đông.

Dầu sacha inchi không chứa cholesterol và đem đến những lợi ích thiết thực dành cho sức khỏe, chẳng hạn như đẹp da, giảm đau, tốt cho tim mạch và nhiều hơn nữa.

Axit α-Linolenic là một axit béo n-3. Đây là một trong hai axit béo thiết yếu, sở dĩ được gọi như vậy vì đây là hai axit cần thiết cho sức khỏe và không thể tổng hợp được trong cơ thể con người, mà có được nó thông qua ăn uống.

Ăn cá 3 lần một tuần

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, ăn cá ba lần một tuần, với số lượng mỗi bữa ăn có kích thước bằng lòng bàn tay, sẽ rất tốt cho hệ tim mạch của chúng ta. Vì dầu cá có chứa EPA, là chất làm sạch các mảng bám trong mạch máu, có thể làm giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL), cải thiện lưu thông máu và giảm cục máu đông.

EPA là viết tắt của axit eicosapentaenoic, một axit béo omega-3 hay còn được gọi là “chất có tính lọc máu”. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tác dụng chính của EPA là giúp sản xuất prostaglandin trong máu. Loại prostaglandin này ức chế tạo các tiểu cầu nhằm làm giảm và ngăn ngừa chứng cục máu đông.

Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm giảm cholesterol và triglycerides có trong máu. Thêm nữa, EPA còn có thể làm giảm độ sánh của máu. EPA làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Do đó, EPA rất có ích trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch.

Ăn thêm một lượng nhỏ ớt, ớt chuông, hạt tiêu trong bữa ăn

Chuyên gia dinh dưỡng Li Yuehui cho biết, thực phẩm giàu capsaicin (Capsaicin là một chất được lấy ra từ ớt, chính chất này tạo ra vị cay khi ăn ớt) có thể làm giãn mao mạch ngoại vi và tăng nhiệt độ cơ thể.

Dựa trên một nghiên cứu của Đại học Vermont (Hoa Kỳ), theo dõi 16.000 người Mỹ trong 23 năm, người ta phát hiện ra rằng những người thường xuyên ăn đồ cay có xác suất mắc bệnh tim và tử vong do đột quỵ thấp hơn 13% so với người bình thường.

Thực phẩm giàu chất sắt

Thực phẩm giàu chất sắt chẳng hạn như gan, huyết heo, hàu…… Sắt là thành phần quan trọng trong quá trình tổng hợp huyết sắc tố, vận chuyển oxy trong máu. Chuyên gia Li Yuehui cho biết, thiếu sắt có thể dẫn đến tay chân lạnh, bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp cơ thể tạo ra năng lượng, nâng cao khả năng chống lạnh của cơ thể.

Trà gừng

Chuyên gia dinh dưỡng Li Yuehui giải thích rằng, trong gừng có chứa zingerol và shogaol, là những chất tạo ra vị cay của gừng, và shogaol có thể thúc đẩy quá trình đốt cháy năng lượng trong cơ thể, tăng nhiệt độ cơ thể và thúc đẩy tuần hoàn máu. Chất zingerol trong gừng sau khi đun nóng hoặc lên men sẽ chuyển hóa thành shogaol, giúp tăng cường tác dụng chống cảm lạnh.

Bình luận