Thực phẩm đã nảy mầm, có loại ăn được, có loại vẫn ăn được nhưng cẩn thận hơn một chút khi ăn và có loại ăn không được.
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) Wu Yingchen cho biết, có 7 loại thực phẩm phổ biến dễ nảy mầm và phân loại chúng vào 3 nhóm, bao gồm nhóm đèn đỏ (không ăn được), nhóm đèn vàng (ăn được nhưng cẩn thận khi ăn) và nhóm đèn xanh (ăn được). Cụ thể như sau:
Nhóm đèn đỏ / không ăn
Thực phẩm trong nhóm đèn đỏ (không ăn được) điển hình là khoai tây. Chuyên gia Wu Yingchen giải thích rằng, khoai tây nảy mầm sẽ tạo ra “solanine” có nồng độ cao ở xung quanh vị trí nảy mầm. Đây là một loại hợp chất alkaloid do cơ chế tự bảo vệ của cây nảy mầm tiết ra, rất dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Cho nên, không ăn khoai tây khi nó đã nảy mầm, ngay cả khi cắt bỏ phần nảy mầm và nấu chín thì chất độc cũng không thể bị tiêu hủy và vẫn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm.
Nếu nạp quá nhiều solanine có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính. Các triệu chứng nhẹ bao gồm tê miệng, rát cổ họng, mắc ói, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy và một số triệu chứng khác. Trường hợp nặng, thậm chí có thể gây tử vong do suy tim và tê liệt trung tâm hô hấp.
Chuyên gia Wu Yingchen khuyến cáo, khi bảo quản khoai tây nên bảo quản ở nơi có nhiệt độ thấp, không có ánh nắng trực tiếp để tránh chúng nảy mầm.
Khi đi mua khoai tây, mọi người thường thấy một số người bán sẽ lấy đồ che chúng lại để tránh ánh sáng nắng, đây là cách bảo quản khoai tây không cho nó nảy mầm.
Nhóm đèn vàng / ăn được nhưng cẩn thận hơn khi ăn
Thực phẩm trong nhóm này gồm có đậu phộng (hay còn gọi là lạc). Chuyên gia dinh dưỡng Wu Yingchen cho biết, đậu phộng nảy mầm khác với đậu phộng bị mốc. Đậu phộng nảy mầm không những không độc hại mà lại rất giàu dinh dưỡng, có thể ăn được.
Tuy nhiên, đậu phộng đã nổi mốc thì không thể ăn được vì rất dễ bị nhiễm chất độc aflatoxin gây ung thư, ảnh hưởng đến gan hoặc có thể gây ra các bệnh về gan ví dụ như xơ gan và thậm chí là ung thư gan.
Nhóm đèn xanh / ăn được
Khoai lang, hành tây, gừng, tỏi và cà rốt là những thực phẩm nằm trong nhóm đèn xanh, dù chúng đã nảy mầm rồi vẫn ăn được.
Các thực phẩm nảy mầm phổ biến như khoai lang, hành tây, gừng, tỏi và cà rốt sẽ không tạo ra các chất độc hại, nhưng quá trình nảy mầm sẽ tiêu tốn nhiều nước và chất dinh dưỡng.
Do đó, mùi vị sẽ kém hơn, không ngon bằng chưa nảy mầm và đặc biệt là giá trị dinh dưỡng của các thực phẩm này sẽ giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, nếu các thực phẩm để lâu bị hư thối rồi thì không nên ăn.