Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tác dụng của mủ trôm và lưu ý về đối tượng không nên sử dụng

(VOH) - Nhiều người biết mủ trôm như một thực phẩm làm mát cơ thể. Tuy nhiên, ngoài công dụng này, mủ trôm còn là vị thuốc chữa bệnh. Hãy cùng tìm hiểu tác dụng của mủ trôm trong bài viết dưới đây.

1. Mủ trôm là gì?

Mủ trôm hay còn gọi là nhựa trôm, là dịch tiết ra từ cây trôm. Trôm là một loài thực vật thuộc chi Trôm trong họ Trôm. Đây là một cây với lá chẻ ra hoa có mùi hôi ít.

Mủ trôm là một hợp chất polysaccharide cao phân tử, khi thủy phân sẽ cho ra các đường như D-galactose, L-rhamnose và acid D-galacturonic, một vài chất chuyển hóa acetylat và trimethylamin.

tac-dung-cua-mu-trom-voh-0

Mủ trôm khi chưa ngâm nước (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, mủ trôm còn chứa khoảng 37% uronic acid, nhiều khoáng tố như calcium và muối magnesium. Khi ngâm mủ trôm trong nước lạnh nó sẽ trở thành dạng keo. Mủ trôm có màu trắng, dạng thạch đặc, vón thành từng cục như sương sa.

2. Những tác dụng của mủ trôm

Mủ trôm có tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Dưới đây là công dụng của mủ trôm có thể bạn chưa biết:

2.1 Chữa bệnh táo bón

Mủ trôm chữa bệnh táo bón: Về mặt y học, mủ trôm hút nước mạnh nên có tác dụng làm trương nở và gây kích thích nhu động ruột, từ đó phân được đẩy ra ngoài dễ dàng. Chính vì thế, mủ trôm được xem như một loại thuốc nhuận tràng, dùng điều trị chứng táo bón.

2.2 Kiểm soát lượng đường trong máu

Cải thiện tình trạng mỡ trong máu, điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì và tiểu đường.

2.3 Thanh nhiệt cơ thể

Tác dụng của mủ trôm còn giúp cơ thể thanh nhiệt. Mủ trôm khi kết hợp với mủ gòn, hạt é, hạt chia…sẽ tạo nên một ly nước mát tuyệt vời, không chỉ giải khát mà còn giúp mát gan, giải độc gan cực kỳ tốt.

2.4 Công dụng của mủ trôm trong làm đẹp

Nhờ tính dính nên mủ trôm còn được dùng làm chất để kết dính trong ngành dược và kỹ nghệ. Ngoài ra, mủ trôm còn được dùng để chế tạo ra một số loại kem, mỹ phẩm làm đẹp cho chị em phụ nữ.

tac-dung-cua-mu-trom-voh-1

Ngoài làm mát cơ thể, mủ trôm còn nhiều công dụng khác (Nguồn: Internet)

3. Mủ trôm có độc không?

Mủ trôm hầu như không có độc tính. Tuy nhiên, mủ trôm có tính mát và nhuận tràng rất tốt nên khi lạm dụng ưu điểm này, bạn có thể gặp một số phản ứng phụ.

Để sử dụng mủ trôm an toàn, bạn cần chọn mua loại mủ trôm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn hiệu và trên nhãn có hướng dẫn cách sử dụng cụ thể về liều lượng dùng và thời gian ngâm, tránh dùng các loại mủ trôm giả mạo vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tốt nhất, trước khi có ý định dùng mủ trôm làm thuốc chữa bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc chuyên gia y tế. Vì mủ trôm hòa tan và trương nở tốt trong nước, nên nếu không đủ nước để trương nở mà bạn đã sử dụng có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột, nguy hiểm cho tính mạng.

4. Những đối tượng không nên dùng mủ trôm

Mặc dù có lợi cho sức khỏe nhưng không phải đối tượng nào cũng thích hợp dùng mủ trôm. Những đối tượng sau đây nên hạn chế hoặc không nên dùng mủ trôm để tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn:

  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Những người đang có khối u trong ruột.
  • Những người đang uống thuốc chữa bệnh thì không nên dùng mủ trôm. Bởi mủ trôm có độ nhớt cao nên sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu. Để ngăn ngừa hiện tượng tương tác này, tốt nhất nên dùng mủ trôm ít nhất 1 giờ sau khi uống thuốc.

5. Cách lấy mủ trôm

Hiện nay để lấy mủ trôm thì có 3 cách như sau:

  • Thứ nhất: Chặt nhánh cây mủ trôm, cắt thành từng khúc rồi ngâm vào nước, để khoảng 2 -3 tiếng thì chất dịch trong nhánh cây chảy ra hòa vào dòng nước. Vớt cách cành cây ra ta có dung dịch nhầy trong nước đó là mủ trôm, nhưng với cách này thì cần sử dụng ngay khó có thể chế biến được thành phẩm khác.
  • Thứ hai: Vào mùa mưa, thì dùng đục nhọn đục khoét vào thân cây với kích thước rộng 10cm và sâu 5 - 7 cm. Nhớ để vết loét nghiêng thì mủ mới dễ chảy ra và tụ lại. Để khoảng vài ngày thì sẽ xuất hiện chất nhầy, bây giờ có thể đem đi phơi khô thì thu được 1 ít mủ trôm khô. Để sử dụng chỉ cần ngâm trong nước thì có thể dùng được.
  • Thứ ba: Có thể chặt các ngọn cây mủ trôm, để mủ trôm chảy từ trên ngọn xuống và lót tấm bạt nylon dưới mặt đất để mủ trôm có thể rơi xuống vào buổi tối. Buổi sáng bạn có thể thu chất nhầy đem đi phơi khô.
tac-dung-cua-mu-trom-voh-3
Cách lấy mủ trôm đúng cách

6. Cách ngâm mủ trôm

Nên ngâm mủ trôm bằng nước ấm hoặc nước nguội, tốt nhất nên sử dụng nước ấm thì mủ trôm sẽ nở nhanh hơn. Lưu ý không nên dùng nước sôi để ngâm, vì nước sôi làm mất đi lớp nhớt của mủ trôm, giảm đi các tác dụng của mủ trôm mang lại cho sức khỏe.

Cách ngâm mủ trôm đúng cách như sau chỉ cần dùng muỗng múc mủ trôm khô bỏ vào ly xong chế nước ấm vào, sau khoảng 15 - 20 phút khuấy đều thì mủ trôm sẽ nở trương ra hết và sử dụng. Có thể nấu mủ trôm với hạt chia, hạt é, chanh, đường phèn,.....

7. Cách nấu mủ trôm

7.1 Cách nấu mủ trôm đường phèn

Nguyên liệu:

  • Mủ trôm khô: 20g
  • Đường phèn: 1 muỗng canh

Cách nấu mủ trôm hạt é:

Mủ trôm đem đi ngâm qua nước ấm tầm 15 - 20 phút. Bắc nồi nước bỏ đường phèn vào nấu, khuấy đều cho đường tan hoàn toàn rồi tắt bếp.

Đợi khi đường phèn nguội thì cho mủ trôm vào và sử dụng. Nếu muốn tăng thêm hương vị có thể kết hợp với mật ong, chanh, hạt é, hạt chia,...

7.2 Cách nấu mủ trôm hạt chia

Nguyên liệu:

  • Mủ trôm khô: 20g 
  • Hạt chia: 1 muỗng canh
  • Lá dứa: 100g
  • Đường: 100g
  • Nước: 1,5l

Cách nấu mủ trôm hạt chia:

Mủ trôm khô ngâm qua nước lạnh để qua đêm. Hạt chia bỏ vào bình nước, ngâm và lắc bình khoảng 5 - 10 phút để hạt chia nở ra. Lá dứa rửa sạch xong buộc thành bó.

Bắc nồi nước bỏ lá dứa vào nấu tầm 10 - 12 phút, rồi cho tiếp 100g đường vào và nêm nếm vừa miệng rồi tắt bếp. Sau khi tắt bếp thì mới cho mủ trôm vào rồi mới cho hạt chia vào.

Bây giờ bạn có thể thưởng thức ly nước mủ trôm hạt chia thơm ngon, giải khát và nếu không sử dụng hết bạn có thể đóng chai bảo quản trong tủ lạnh, sử dụng trong vòng 3 ngày.

tac-dung-cua-mu-trom-voh-4
Cách làm mủ trôm hạt chia

7.3 Cách làm mủ trôm hạt é

Nguyên liệu:

  • Mủ trôm khô: 20g
  • Hạt é: 1 muỗng canh
  • Đường phèn: 1 muỗng canh

Cách nấu mủ trôm hạt é:

Dùng nước ấm ngâm mủ trôm, khuấy đều tầm 15 - 20 phút để nở hoàn toàn. Hạt é thì cũng bỏ vào bình, ngâm nước ấm và lắc đều tầm 10 - 15 phút cho hạt é nở nhanh.

Bắc 1 nồi nước, bỏ đường phèn vào nấu và khuấy đều đến khi đường tan hết thì tắt bếp. Sau khi nấu xong đường phèn thì trộn hạt é, mủ trôm vào với nhau và thêm đường phèn, tùy theo khẩu vị ngọt của từng người mà thêm đường phèn ít hay nhiều rồi mới cho thêm đá vào để uống.

8. Cách phân biệt mủ trôm và tuyết yến

Nhiều người thường lầm tưởng mủ trôm và tuyết yến giống nhau nhưng thực tế thì hương vị cả hai khá giống nhau nhưng cách khai thác và công dụng của tuyết yến lại hơn mủ trôm. Hai sản phẩm này hoàn toàn không giống nhau và để nhận biết được cả 2 loại thì nên chú ý các điểm sau:

  • Mủ trôm: đây là nhựa cây, màu trắng đục, pha chút nâu của nhựa cây, có vị ngọt và thường phải ngâm, nấu lên mới sử dụng được.
  • Tuyết yến: đây là phần dịch của cây có màu trắng trong, ít lẫn tạp chất và rất cứng, phải ngâm nước mới sử dụng được và có vị chua. Tác dụng của tuyết yến của hơn hẳn mủ trôm nên loại này có giá thành khá đắt.

9. Một số lưu ý khi dùng mủ trôm

tac-dung-cua-mu-trom-voh-2

Nên ngâm mủ trôm bằng nước lạnh (Nguồn: Internet)

  • Không đun nấu mủ trôm ở nhiệt độ cao vì sẽ làm mất tác dụng của nó.
  • Không ngâm mủ trôm với nước nóng. Khi ngâm mủ trôm cần chú ý chờ mủ trương nở hoàn toàn rồi mới sử dụng.
  • Không nên dùng mủ trôm cùng lúc với thuốc.
  • Không nên lạm dụng mủ trôm để tránh bị tiêu chảy.

Trên đây là một số tác dụng của mủ trôm và một điều cần lưu ý khi sử dụng, hy vọng giúp bạn có thêm hiểu biết và sử dụng loại thực phẩm này đúng cách hơn.

Bình luận