Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khám phá 11 tác dụng của quả mướp với sức khỏe đầy bất ngờ

(VOH) - Mướp không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc với mọi nhà mà còn được dùng làm vị thuốc chữa bệnh. Cùng tìm hiểu về tác dụng của quả mướp trong bài viết này nhé.

Có lẽ với nhiều người Việt, hình ảnh giàn mướp xanh rì, trĩu quả đã trở nên rất thân quen và gắn bó. Đặc biệt hơn cả, khi nhắc đến loại rau quả này sẽ nhớ tới vô vàn món ngon hấp dẫn. Vậy thì hãy cùng khám phá xem quả mướp đem lại những lợi ích sức khỏe tuyệt vời nào mà luôn chiếm một ví trị quan trọng trong ẩm thực Việt như vậy nhé!  

1. Đặc điểm của quả mướp

Quả mướp hay còn gọi là mướp hương, mướp ta (tên khoa học: Luffa cylindrica). Cây mướp thuộc loại cây thân dây leo, lá mọc so le, hoa vàng, quả mọc thường có chiều dài 25 - 30cm, rộng cỡ 6 -8cm, hình trụ và khi về già sẽ khô, xơ bên trong dai.

kham-pha-11-tac-dung-cua-qua-muop-voi-suc-khoe-day-bat-ngo-voh-0
Giàn mướp xanh rì, trĩu qua đã trở thành hình ảnh thân quen với nhiều người Việt (Nguồn: Internet)

Thực tế cây mướp có thể cho ra quả quanh năm, song nếu gieo trồng trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau thì quả sẽ đồng đều và đạt chất lượng tốt nhất. Theo đó sau khi gieo hạt khoảng 80 – 100 ngày là có thể thu hoạch quả mướp, nên nhiều gia đình có không gian rộng rãi hoặc sân vườn cũng thường lựa chọn tự trồng một giàn mướp tại nhà.

2. Tác dụng của quả mướp

Trong y học cổ truyền, mướp được xếp vào nhóm có vị ngọt, tính hàn mát, còn với nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại, đây là thực phẩm rất giàu khoáng chất và các vitamin thiết yếu như vitamin B9, vitamin B5, vitamin B6 hay vitamin C. Nhờ nguồn dưỡng chất phong phú như vậy nên bổ sung mướp vào thực đơn hàng ngày bạn sẽ nhận được những lợi ích quý giá này:

2.1 Chữa đại tiện ra máu do trĩ

Mướp thường được tận dụng để điều chế các món ăn bài thuốc chữa trị chứng đi đại tiện khó khăn do bệnh trĩ. Bạn có thể dùng hoa mướp nấu nước uống hoặc dùng quả mướp nấu canh ăn hàng ngày sẽ có tác dụng giúp nhuận tràng.

2.2 Giúp giải nhiệt

Với đặc tính hàn mát, mướp được đánh giá là loại rau quả khá phù hợp với người có thể trạng nhiệt. Lúc này bạn có thể uống nước mướp luộc hoặc dùng các món canh từ mướp để chủ động giải độc và thanh nhiệt cho cơ thể.

Xem thêm: Giải nhiệt cơ thể nhanh 'cấp tốc' bằng những cách đơn giản

2.3 Viêm da do tiếp xúc, dị ứng, lang ben trên mặt

Những người bị viêm da do tiếp xúc dị ứng, lang ben trên mặt có thể dùng quả mướp rửa sạch để ráo, giã nhuyễn với ít muối đắp lên chỗ tổn thương, đắp sau vài ngày sẽ thấy được công hiệu.

Lưu ý: Với những trường hợp sử dụng hỗn hợp từ mướp đắp, bôi trực tiếp lên da cần đảm bảo được các yếu tố như: nguyên liệu sạch, không thuốc trừ sâu...

2.4 Ngăn ngừa các bệnh về mắt

Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng vitamin A được tìm thấy trong quả mướp 100g tương đương với hơn 14% nhu cầu hàng ngày. Chính vì thế, tăng cường ăn thêm các món ngon từ mướp sẽ giúp bạn chủ động hấp thu đủ lượng vitamin A, góp phần ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng và cải thiện tình trạng khổ mắt hữu hiệu.

Xem thêm: Mách bạn 15 thực phẩm chứa nhiều vitamin A nhất nên có trong bữa ăn hàng ngày 

2.5 Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Một trong các tác dụng của quả mướp không thể quên nhắc tới đó là bổ sung một lượng khoáng chất magie cần thiết cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng magie đóng vai trò quan trọng giúp làm giảm quá trình peroxy lóa lipid, thúc đẩy quá trình tiết insulin cũng như chuyển hóa đường glucose vào máu, từ đây hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

kham-pha-11-tac-dung-cua-qua-muop-voi-suc-khoe-day-bat-ngo-voh-1
Mướp là thực phẩm lành mạnh dành cho người mắc bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

2.6 Tốt cho sức khỏe tim mạch

Trong quả mướp có khá nhiều nhóm chất chống oxy hóa mạnh, điển hình như lutein hay crypto-xanthin. Những hoạt chất này đều có tính kháng viêm mạnh, khi vào cơ thể sẽ “tiêu diệt” lượng cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch, giảm tắc nghẽn mạch máu và đảm bảo thông suốt dòng tuần hoàn máu tới trái tim.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.7 Ngăn ngừa đau cơ

Cơ thể thiếu hụt khoáng chất kali sẽ dẫn đến tình trạng co thắt cơ, chuột rút và đau cơ. Việc ăn thêm mướp trong khẩu phần hàng ngày sẽ góp phần bổ sung một lượng lớn kali, hỗ trợ cân bằng dịch chất lỏng, giúp thư giãn cơ bắp.

2.8 Giảm viêm khớp

Hấp thu các khoáng chất từ mướp không chỉ giúp ngăn ngừa đau cơ mà hỗ trợ sức mạnh của cơ bắp, phục hồi các mô liên kết. Những người bị viêm khớp khi dùng các món ăn từ mướp sẽ phần nào khắc phục được các đau nhức dai dẳng và sưng đau.

2.9 Ngăn ngừa chứng đau nửa đầu

Lượng magie trong quả mướp giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể, làm giảm tái phát chứng đau nửa đầu.

Xem thêm: Đau nửa đầu thường xuyên, kéo dài nguy hiểm như thế nào?

2.10 Điều trị thiếu máu

Việc bổ sung quả mướp vào thực đơn hàng ngày sẽ cung cấp cho cơ thể khoảng 3% nhu cầu vitamin B6. Theo đó, dưỡng chất cực kì cần thiết trong việc sản xuất hemoglobin trong máu, giúp vận chuyển oxy đến các tế bào, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh thiếu máu.

2.11 Mướp và công dụng làm đẹp da

Quả, lá và dây mướp đều có tác dụng chống nhăn da. Để xóa nếp nhăn trên mặt bạn có thể dùng nước ép từ trái, lá hoặc dây mướp trộn cùng mật ong hoặc trộn với nước ép dưa chuột để bôi lên mặt. 

3. Bà bầu ăn mướp có tốt không?

Bà bầu ăn mướp được không hay bà bầu ăn mướp có tốt không là những thắc mắc khá phổ biến của các mẹ bầu, bởi nhiều mẹ dù thèm các món ăn từ mướp song lại lo lắng loại rau quả này có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Thế nhưng, cho tới nay, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn luôn nhận định mướp là thực phẩm lành mạnh mà mẹ bầu có thể yên tâm dùng để bồi bổ trong thai kì.

kham-pha-11-tac-dung-cua-qua-muop-voi-suc-khoe-day-bat-ngo-voh-2
Bà bầu hoàn toàn có thể ăn mướp trong thai kì (Nguồn: Internet)

Chưa hết, phụ nữ sau sinh nên ăn mướp vì mướp có tác dụng chữa tắc sữa và kích thích quá trình tiết sữa. Có thể áp dụng bằng luộc mướp tươi với chút muối ăn, lấy nước uống để thông sữa mẹ cho em bé bú.

Xem thêm: Bà bầu ăn mướp có tốt không và 3 khuyến cáo an toàn nên biết

4. Công dụng chữa bệnh từ các bộ phận khác của mướp

Không chỉ có quả mướp mới có nhiều công dụng chữa bệnh mà hầu như tất các các bộ phận của cây mướp như: lá mướp, dây mướp hay xơ mướp,…đều được tận dụng để hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Trong đó phải kể đến như:

  • Xơ mướp: Có vị ngọt, tính bình, tác dụng kháng viêm, thông mạch, lợi tiểu. Thường dùng để điều trị đau thấp khớp, đau cơ, đau ngực, mất kinh, phù thủng và dùng để cầm máu.
  • Lá mướp: Có vị đắng và chua, tính hơi lạnh. Tác dụng của lá mướp dùng để kháng viêm, làm long đờm, chống ho nên thường được dùng để trị ho, đau đầu. Ngoài ra, lá mướp còn dùng để cầm máu vết thương.
  • Hạt mướp: Có vị ngọt, tính bình, tác dụng làm thông mạch chóng hoa, làm long đờm. Đông y thường dùng hạt mướp để chữa ho, đờm dãi nhiều, bệnh giun đũa và táo bón.
  • Rễ mướp: Có vị ngọt, tính bình, giúp kháng viêm nên thường dùng chữa viêm mũi và viêm xoang.
  • Tua, cuốn mướp: Thường dùng để chữa đau thắt lưng, ho, viêm mũi, viêm khí quản.

5. Gợi ý món ngon từ mướp

Mướp ngọt mềm, thanh mát nhưng đôi khi lại là một “điểm nhấn” cực kì quan trọng để làm nên một món ăn đủ đầy, trọn vẹn hương vị.

kham-pha-11-tac-dung-cua-qua-muop-voi-suc-khoe-day-bat-ngo-voh-3
Có vô vàn món ngon được chế biến từ mướp (Nguồn: Internet)

Không chỉ đơn thuần làm món mướp luộc mà các gợi ý hấp dẫn dưới đây hứa hẹn sẽ “ngốn cơm” của bạn đấy:

  • Mướp xào lòng gà
  • Canh mướp nấu lạc
  • Hàu xào mướp
  • Ếch xào mướp
  • Mướp hương xào nấm mèo trắng
  • Mướp hương nhồi tôm hấp
  • Đậu hũ non xào mướp hương

Xem thêm: Chưa thử hết 12 món ngon từ mướp này bạn sẽ ‘tiếc ngẩn ngơ’!

6. Ai không nên ăn mướp thường xuyên?

Nhìn chung, mướp thuộc nhóm rau quả tương đối lành tính và không gây ra ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tuy nhiên nếu bạn thuộc một trong các đối tượng dưới đây thì nên ăn mướp với lượng vừa phải, tránh ăn quá nhiều và thường xuyên:

6.1 Người có tì vị hư hàn

Như đã chia sẻ, mướp có tình hàn mát nên để cân bằng âm – dương trong cơ thể, người có tì vị hư hàn (hay bị lạnh bụng, đi đại tiện phân lỏng hoặc tiêu chảy kéo dài) thường được khuyến cáo không nên lạm dụng loại rau quả này. Tốt nhất mỗi tuần chỉ nên ăn 1 – 2 bữa, mỗi bữa không quá 300g.

Xem thêm: Ăn gì khi bị tiêu chảy? 7 loại thực phẩm sẽ giúp giải quyết vấn đề trên

6.2 Mắc chứng tiểu đêm

Nếu bạn mắc chứng tiểu đêm thì hãy cân nhắc tránh dùng các món ăn từ mướp vào buổi tối, nhằm giảm tần suất đi tiểu và không gây gián đoạn giấc ngủ.

7. Thành phần dinh dưỡng của quả mướp

Thành phần dinh dưỡng

Hàm lượng

Nước

95.1 g

Năng lượng

17 KCal

Đạm

69 g

Chất béo

0.2 g

Chất đường bột

2.8 g

Chất xơ

0.5 g

Sắt

0.80 mg

Magie

14 mg

Photpho

45 mg

Kali

139 mg

Vitamin C

8 mg

Vitamin A

0 μg

Vitamin B2

0.06 mg

Thành phần dinh dưỡng có trong 100 gram mướp

Với nguồn chất dinh dưỡng vô cùng dồi dào và đa dạng nên tác dụng của quả mướp trong việc phòng và điều trị nhiều loại bệnh lý luôn được y học đánh giá cao. Vậy nên đợi gì mà không chuẩn bị vài trái mướp xanh mát để lên thực đơn cho gia đình bạn bạn nhỉ!

Bình luận