Tiêu điểm: Nhân Humanity

8 tác dụng của râu ngô khiến ai cũng bất ngờ

(VOH) - Râu ngô (râu bắp) thường được bỏ đi vì hầu hết mọi người đều cho rằng không bổ dưỡng như hạt ngô. Song, thực tế tác dụng của râu ngô với sức khỏe thì rất “đáng nể” đấy nhé.

Rau ngô là các sợi mỏng, vàng sáng như tơ, nằm sau lớp lá ngô và bao phủ bên ngoài bắp ngô. Trong Đông y râu ngô còn gọi là ngọc mễ tu, có vị ngọt, tính bình. Đặc biệt, râu ngô cung cấp hàm lượng lớn chất xơ và một số nhóm vitamin thiết yếu như vitamin C, vitamin B hay vitamin K. Nhờ vậy mà râu ngô thường được mệnh danh là “tiên dược” rất tốt cho sức khỏe.

1. Tác dụng của râu ngô với sức khỏe

Dưới đây là một số tác dụng của râu ngô với sức khỏe mà bạn không nên bỏ qua:

1.1 Thanh nhiệt, lợi tiểu

Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng các hoạt chất được tìm thấy trong râu ngô có đặc tính giống thuốc lợi tiểu, góp phần tăng sản xuất nước tiểu. Vì vậy, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến khích uống thêm nước râu ngô để thúc đẩy quá trình bài tiết độc tố, thanh nhiệt cơ thể hiệu quả. (1)

8-tac-dung-cua-rau-ngo-khien-ai-cung-bat-ngo-voh-0
Các thức uống từ râu ngô thanh mát, lợi tiểu (Nguồn: Internet)

1.2 Giảm phát ban ngứa ngáy

Bên cạnh hỗ trợ chức năng bài tiết nước tiểu, râu ngô cũng thường được sử dụng để điều chế các bài thuốc khắc phục tình trạng phát ban và nhọt, giúp giảm ngứa và đau do vết cắn của côn trùng, hay vết xước.

Xem thêm: Bác sĩ mách bạn mẹo chữa ngứa ngoài da vô cùng đơn giản và hiệu quả

1.3 Hỗ trợ cầm máu

Râu ngô có chứa nhóm vitamin K – hoạt chất đảm nhiệm vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và chuyển hóa khoáng chất tới các tế bào xương. Do đó khi cần bổ sung nhóm vitamin này, bạn có thể sử dụng các thức uống từ râu ngô. (2)

1.4 Điều hòa huyết áp

Vốn hoạt động như một thuốc lợi tiểu tự nhiên nên râu ngô cũng được đánh giá là nguyên liệu lành mạnh mà người bệnh huyết áp cao có thể sử dụng. Theo đó, hấp thu các dưỡng chất từ râu ngô sẽ góp phần giảm tình trạng tích trữ nước, tăng đào thải lượng muối natri dư thừa và giảm áp lực lên thành mạch máu, duy trì huyết áp ổn định. (3)

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

1.5 Kích thích tiêu hóa

Một số phân tích y khoa cho thấy các hoạt chất của râu ngô có khả năng kích thích hoạt động bài tiết mật của gan, cung cấp đủ dịch mật ở ruột non để hấp thu cũng như chuyển hóa chất béo từ thực phẩm. Từ đây, đảm bảo hoạt động của hệ tiêu hóa diễn ra “trơn tru” và không xảy ra tình trạng táo bón. (4)

8-tac-dung-cua-rau-ngo-khien-ai-cung-bat-ngo-voh-1
Râu ngô giúp tăng bài tiết dịch mật, giúp cải thiện tiêu hóa, chống táo bón (Nguồn: Internet)

1.6 Tốt cho người bệnh gout

Nếu đang điều trị bệnh gout bạn cũng nên tham khảo dùng thêm râu ngô. Bởi tiếp nạp các dưỡng chất của râu ngô sẽ giúp ngăn chặn sự tích tụ axit uric trong máu, giảm áp lực lên thận, đồng thời “xoa dịu” các cơn đau nhức khớp. 

1.7 Bảo vệ tim mạch

Các chất chống oxy hóa nhóm flavonoid mà râu ngô cung cấp khi vào cơ thể sẽ giảm nồng độ cholesterol xấu tích tụ trong thành mạch máu, ngăn ngừa nguy cơ tắc nghẽn thành mạch và bảo trái tim khỏe mạnh. (5)

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

1.8 Kiểm soát đường huyết

Cho tới nay thì các nghiên cứu về công dụng kiểm soát đường huyết của râu ngô vẫn đang được tiến hành và chứng minh rõ ràng hơn. (7) Tuy nhiên người bệnh tiểu đường vẫn có thể dùng các thức uống từ râu ngô với lượng vừa phải và không pha thêm nhiều chất tạo ngọt.  

2. Hướng dẫn cách nấu trà râu ngô

Ngoài việc được tận dụng làm dược liệu trong điều chế thuốc, phương pháp sử dụng râu ngô đơn giản và hiệu quả nhất chính là nấu trà râu ngô (nước râu ngô). Xin mách bạn một vài cách nấu trà râu ngô thơm mát, bổ dưỡng ngay sau đây:

2.1 Trà râu ngô mã đề

8-tac-dung-cua-rau-ngo-khien-ai-cung-bat-ngo-voh-2
Trà râu ngô mã đề thanh mát (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Râu ngô: 100 – 200g
  • Bông mã đề
  • Đường phèn (tùy khẩu vị)
  • Nước lọc: 1 – 2 lít nước

Cách nấu trà râu ngô mã đề

  • Ngâm rửa sạch râu ngô và bông mã đề với nước muối loãng trong khoảng 15 – 20 phút, sau đó vớt ra để ráo.
  • Xếp râu ngô, bông mã đề vào nồi, cho nước vào và bắt đầu đun sôi. Sau khi nước sôi thì vặn lửa nhỏ, đun thêm khoảng 15 – 20 phút, hòa thêm đường phèn nếu muốn, rồi tắt bếp.
  • Chắt lấy nước và bỏ phần bã.

Xem thêm: Canh mã đề nấu tôm – món ăn lợi tiểu, tốt cho hệ tiêu hóa

2.2 Trà râu ngô rau má

8-tac-dung-cua-rau-ngo-khien-ai-cung-bat-ngo-voh-3
Trà râu ngô rau má thanh nhiệt, giải độc (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Râu ngô: 200g
  • Rau má: 150 – 150g
  • Nước lọc: 1 – 1.5 lít
  • Đường phèn

Cách nấu trà râu ngô rau má

  • Ngâm rửa sạch râu ngô, rau má trong nước muối loãng khoảng 15 phút.
  • Cho râu ngô và nước vào nồi, khi nước sôi thì điều chỉnh lửa nhỏ, thêm rau má vào đun thêm khoảng 15 phút thì tắt bếp.

Lưu ý: Vì rau má có vị hơi đăng đắng nên bạn có thể hòa thêm chút đường phèn vào nước trước khi tắt bếp.

Xem thêm: Ngoài giúp giải nhiệt cơ thể, uống nước rau má còn mang đến những lợi ích gì?

2.3 Trà râu ngô mía

8-tac-dung-cua-rau-ngo-khien-ai-cung-bat-ngo-voh-4
Trà râu ngô mía lá dứa (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Râu ngô: 100 – 150g
  • Mía: 100g
  • Lá dứa: 2 – 3 lá dài
  • Nước lọc:  1.5 – 2 lít

Cách nấu trà râu ngô mía

  • Ngâm rửa sạch râu ngô và lá dứa với nước muối loãng.
  • Mía gọt vỏ và cắt (tiện) thành từng khúc nhỏ.
  • Xếp các nguyên liệu vào nồi, lá dứa đặt ở lớp dưới cùng, sau đó tới râu ngô và mía. Trút nước vào và bật bếp đun sôi.
  • Bỏ phần bã và lọc lấy nước để uống.
  • Không cần cho thêm đường vì có vị ngọt tự nhiên từ mía.

Xem thêm: Khám phá ngay những tác dụng tuyệt vời của nước mía giúp cải thiện sức khỏe tốt hơn

3. Những lưu ý cần biết khi sử dụng râu ngô

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, khi sử dụng râu ngô hãy thực hiện một số lưu ý sau:

  • Nên tìm mua râu ngô chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải ngâm rửa sạch trước khi sử dụng.
  • Nhiều người có thói quen lấy râu ngô phơi khô dùng dần thay thế chè cũng rất tốt, song dùng râu ngô ở dạng tươi vẫn là tốt nhất vì nó chứa nhiều dưỡng chất hơn.
  • Trường hợp đang sử dụng thuốc đặc trị như thuốc lợi tiểu hay thuốc hạ huyết áp thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng râu ngô.

Nhìn chung, râu ngô đem tới khá nhiều dưỡng chất và lợi ích quý giá, nhưng bạn đừng quên thực hiện các khuyến cáo trên đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé.

Bình luận