Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tác hại của cây đinh lăng là gì?

(VOH) – Đinh lăng là loại cây quen thuộc, thường được dùng làm gia vị hay làm thuốc. Tuy được đánh giá là tốt cho sức khỏe, nhưng tác hại của cây đinh lăng cũng đáng lo ngại nếu dùng không hợp lý.

Trong Đông y, đinh lăng được xem như một loại thảo dược có mặt trong nhiều bài thuốc quý. Dường như toàn bộ cây đều có thể sử dụng làm thuốc, hơn thế lá cây đinh lăng còn là một loại rau ăn rất tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu không nắm rõ những đặc tính sinh học và sử dụng không hợp lý, bạn có thể gặp phải những tác hại của cây đinh lăng.

1. Những tác hại của cây đinh lăng là gì?

Theo Đông y, mọi bộ phận trên cây đinh lăng đều có thể dùng được, tuy nhiên, mỗi bộ phận sẽ có những cách dùng khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Lá đinh lăng phải mang phơi khô, sao vàng, hạ thổ thì mới có thể dùng làm gối nằm để trị mồ hôi trộm, đau đầu, tăng cường trí nhớ.
  • Thân cây đinh lăng băm nhỏ, sao vàng, hạ thổ, để sắc nước uống.
  • Rễ đinh lăng (phần củ nằm dưới) có thể dùng để ngâm rượu uống.
  • Còn đối với cành cây đinh lăng chỉ dùng để làm giống chứ ít khi sắc nước uống.

Người ta thường thu hái đinh lăng vào mùa đông, trên những cây trồng từ 3 tuổi trở lên, đặc biệt phần rễ (củ) cây đinh lăng từ 6 tuổi trở lên sẽ rất quý. Tuy nhiên, trong rễ cây đinh lăng có chứa chất ancaloit, nếu dùng nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… Dùng liều cao có thể gây say thuốc, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy.

Bên cạnh đó, chiết xuất của đinh lăng cũng có liều lượng dùng và liều gây độc. Trên chuột, liều chết LD50 của đinh lăng là 32.9g/kg (nhân sâm 16.5g/kg, ngũ gia bì 14.5g/ kg). Ở liều độc gây xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột. (1)

tac-hai-cua-cay-dinh-lang-voh-0
Dùng nhiều đinh lăng có thể gây hại cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, một số người uống quá nhiều rượu ngâm đinh lăng sẽ bị say, mệt mỏi, tiêu chảy... Nguyên nhân là do trong rễ cây đinh lăng có thành phần saponin. Chất saponin có khả năng tán huyết, đánh vỡ các hồng cầu trong cơ thể. Cho nên uống rượu đinh lăng chỉ nên giới hạn dùng 3-4 ly/1 lần dùng.

Đặc biệt, hiện nay không có nhiều nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của cây đinh lăng đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, vì thế, cần thận trọng khi sử dụng.

Những người đang bị bệnh gan hoặc đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý cũng cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi sử dụng đinh lăng với mục đích trị bệnh.

2. Uống nước lá đinh lăng nhiều có tốt không?

Không chỉ là loại rau ăn, nhiều người còn uống nước lá đinh lăng để nâng cao sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyên rằng bạn không nên uống nước lá đinh lăng hàng ngày thay cho nước lọc, bởi vì uống nhiều nước lá đinh lăng có thể gây ra các tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.

Tương tự như rễ, trong lá của cây đinh lăng cũng chứa nhiều chất saponin có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy ở những người mắc hội chứng ruột kích thích và thậm chí là gây phá hủy hồng cầu.

Ngoài ra, việc uống quá nhiều nước đinh lăng khiến cơ thể dung nạp quá nhiều saponin dễ gây ra tình trạng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nôn mửa.

tac-hai-cua-cay-dinh-lang-voh-1
Không nên uống nước lá đinh lăng hàng ngày thay cho nước lọc (Nguồn: Internet)

Do đó, bạn không nên uống nước đinh lăng thường xuyên, tốt nhất chỉ nên sử dụng đủ trong một thời gian nhất định. Khi uống nước lá đinh lăng nếu gặp phải các tác dụng phụ kể trên, bạn nên ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

Xem thêm: 4 loại nước uống giải nhiệt bạn nên uống ngay để không lo nóng trong người, khô họng, tiểu ít

3. Cách bảo quản đinh lăng sử dụng lâu dài

Thông thường để bảo quản cây đinh lăng được lâu bạn có thể áp dụng phương pháp phơi khô qua bước thực hiện như sau:

  • Lá đem về rửa sạch và ngâm nước muối, để ráo nước mới đem đi sấy.
  • Cành đinh lăng cắt khúc thành đoạn 5 – 7cm, cho vào máy sấy ở nhiệt độ 600 độ C. Chú ý không nên cắt nhỏ quá để tránh bị vụn khi sấy khô.
  • Thời gian sấy mất khoảng 6 tiếng, nếu số lượng nhiều mất thời gian sấy lâu hơn.
  • Trong lúc sấy nên kiểm tra lá đi lăng mỗi giờ để kiểm tra độ giòn của lá.

4. Những lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng

Để tránh các tác hại của cây đinh lăng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi sử dụng cần chú ý các vấn đề sau đây:

  • Cũng như các loại cây khác thì thân cây đinh lăng cũng có nhựa mủ, đặc biệt là ở phần vỏ. 
  • Nhìn chung, đinh lăng là một dược liệu ít độc. Nếu sử dụng quá liều lâu dài, độc tính trường diễn thường thấy là xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột hoặc biến loạn dinh dưỡng.
  • Saponin trong cây đinh lăng có thể làm vỡ hồng cầu.
  • Sử dụng đinh lăng để chữa bệnh thì nên biết chiết xuất trong cây đinh lăng nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thì cải thiện tình trạng bệnh và nếu lạm dụng quá mức sẽ là liều gây độc, làm hại cơ thể.

Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng các loại dược liệu như đinh lăng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.