Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

4 tác hại của quả đào và 3 đối tượng cần cẩn trọng khi ăn

(VOH) – Quả đào tươi giòn giòn, vị ngọt thanh lẫn chua dịu nên nhiều người có thể ‘ăn hoài không chán’. Thế nhưng dù là loại trái cây ưa thích, bạn cũng nên cẩn trọng với một số tác hại của quả đào.

Trái đào ngọt thơm nằm trong nhóm quả cung cấp đa dạng dưỡng chất cho cơ thể, kể đến như nhóm vitamin A, vitamin C, vitamin E, chất xơ cùng các khoáng chất. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng thói quen ăn đào quá nhiều và liên tục hoàn toàn không tốt, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. 

1. Tác hại của quả đào khi ăn nhiều

Theo khuyến cáo, trong tuần tốt nhất chỉ nên ăn từ 2 – 3 trái đào. Việc ăn đủ và đúng liều lượng sẽ giúp giảm tỉ lệ gặp phải những tác dụng phụ dưới đây: 

1.1 Gây nóng trong người

Nóng trong người hay còn biết đến là nội nhiệt, lúc này nhiệt độ bên trong cơ thể sẽ cao hơn mức bình thường, gây ra cảm giác bức bối, đổ mồ hôi nhiều ở tay chân và dễ tích tụ độc tố, hình thành mụn nhọt. 

Theo đó, nhóm người có thể trạng nhiệt thường không được khuyến khích dùng nhiều loại quả có đặc tính nóng như đào, điều này nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng âm dương của các hoạt động trao đổi chất. 

4-tac-hai-cua-qua-dao-va-3-doi-tuong-can-can-trong-khi-an-voh-0
Người có thể trạng nhiệt, hay nổi mụn nhọt cần hạn chế ăn quả đào (Nguồn: Internet) 

1.2 Chướng bụng đầy hơi 

Các phân tích dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, trong đào (nhất là đào chín) có chứa polyol (còn gọi là rượu đường) – hoạt chất vốn chỉ được hấp thu một phần bởi ruột non, sau đó các vi khuẩn đường ruột sẽ lên men phần còn lại. Chính vì lý do đó, polyol được xem như một trong những tác nhân dẫn tới chướng bụng đầy hơi.

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ cách giải quyết chứng ăn không tiêu, nặng bụng khó chịu

1.3 Dị ứng ngứa ngáy

Trên thực tế, khi ăn đào chúng ta không cần phải gọt vỏ bởi đây là phần tập trung nhiều chất xơ nhất. Song nếu không ngâm rửa sạch lớp lông trên vỏ thì khi ăn sẽ gây ngứa và rát ở lưỡi hay cổ họng, đặc biệt thường xảy ra với nhóm người có tiền sử mắc dị ứng phấn hoa

1.4 Khó kiểm soát đường huyết

Đào thuộc nhóm trái cây có chỉ số đường huyết thực phẩm thấp nên người đang điều trị bệnh tiểu đường có thể sử dụng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Điều cần lưu ý ở đây chính là người bệnh cần ăn trực tiếp đào tươi, giảm thiểu dùng các chế phẩm từ đào như đào đóng hộp, trà đào,… vì lượng đường tiếp nạp vào khá cao, sẽ khó kiểm soát đường huyết. 

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

2. Một số đối tượng nên hạn chế ăn đào

Quan tâm và theo dõi tình trạng sức khỏe để lựa chọn thực phẩm, trái cây phù hợp là việc vô cùng cần thiết. Do đó trước khi quyết định thêm quả đào vào thực đơn hàng ngày, cần đảm bảo rằng bạn không thuộc một trong các đối tượng sau: 

2.1 Có dấu hiệu xuất huyết

Như đã phân tích, đào vốn là loại quả có tính nóng, nếu ăn vượt quá liều lượng an toàn sẽ làm tổn thương, đứt gãy các mạch máu và xảy ra hiện tượng xuất huyết. Vì vậy, khi đang mang thai, nhận thấy có dấu hiệu xuất huyết ở vùng kín thì mẹ bầu nên tạm dừng sử dụng quả đào. 

Ngoài ra, người hay chảy máu cam cũng lưu ý cắt giảm lượng đào trong chế độ ăn uống. 

4-tac-hai-cua-qua-dao-va-3-doi-tuong-can-can-trong-khi-an-voh-1
Nếu thường xuyên chảy máu cam bạn nên giảm lượng đào trong khẩu phần ăn (Nguồn: Internet) 

2.2 Người mới ốm dậy

Sau một thời gian điều trị bệnh, sức đề kháng của người mới ốm dậy sẽ suy giảm, tỉ lệ lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa cũng ít hơn nên cần chú ý không bồi bổ nhiều đào, tránh tình trạng bị chướng bụng đầy hơi. 

Xem thêm: Chế độ ăn uống giúp phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy, bạn nên biết!

2.3 Mắc các bệnh lý liên quan đến gan

Chức năng đào thải và loại bỏ độc tố của gan ở người mắc các bệnh lý như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ sẽ suy yếu đi. Lúc này, để tránh tăng thêm áp lực bài tiết cho lá gan, tốt nhất không nên cho người bệnh sử dụng nhiều đào. 

Mỗi thức quả đều có những tác hại tiềm ẩn, nếu chúng ta không tìm hiểu kĩ và cẩn trọng khi sử dụng thì rất dễ mắc phải, với trái đào cũng vậy. Mong rằng những lưu ý trên đây sẽ giúp bạn biết cách ăn trái cây này hợp lý và khoa học.