Chờ...

Tác hại của rau càng cua là gì?

(VOH) – Giòn giòn và có vị chua nhẹ nên rau càng cua đã trở thành nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món gỏi thanh mát. Thế nhưng cần lưu ý gì khi sử dụng để tránh mắc các tác hại của rau càng cua?

Không chỉ là loại rau thơm gắn bó với ẩm thực Việt mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, rau càng cua cũng rất được yêu thích, thậm chí còn được tận dụng điều chế các bài thuốc điều trị bệnh lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hiểu rõ cách dùng an toàn và khoa học, nguy cơ mắc phải các tác hại của rau càng cua vẫn có thể xảy ra.

1. Một số tác hại của rau càng cua cần phòng tránh

Có thể nói nguồn chất dinh dưỡng mà rau càng cua mang đến cho cơ thể khá đa dạng, bổ sung dồi dào khoáng chất và các nhóm chất chống oxy hóa. Dù vậy, lời khuyên là chỉ nên dùng khoảng 30 – 50g rau càng cua trong một bữa, điều này vừa giúp bạn hấp thu hiệu quả dưỡng chất, vừa hỗ trợ phòng ngừa những tác dụng phụ dưới đây:

1.1 Gây tiêu chảy

Trong Đông y, rau càng cua được xếp vào nhóm có tính bình, rất thích hợp với người đang mắc chứng đầy bụng khó tiêu hoặc bị táo bón. Song cũng chính vì lý do này, nếu bạn thuộc đối tượng có tì vị hư hàn và thường xuyên bị tiêu chảy thì tuyệt đối không nên lạm dụng rau càng cua, để tránh làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn, gây rối loạn tiêu hóa kéo dài.

tac-hai-cua-rau-cang-cua-la-gi-voh-0
Ăn rong càng cua quá nhiều sẽ gây ra các chứng rối loạn tiêu hóa khó chịu (Nguồn: Internet)

1.2 Tăng áp lực lên thận

Giống như rau diếp cá hay rau má,…, rau càng cua cũng có đặc tính hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu mà bạn cần cân nhắc sử dụng thật hợp lý. Theo đó, nếu ăn hoặc uống quá nhiều nước rau càng cua trong thời gian ngắn rất dễ tạo áp lực lên chức năng bài tiết nước tiểu của thận, bạn sẽ đi tiểu nhiều lần và có thể lên tới trên 10 lần một ngày.

Xem thêm: Học cách uống nước đúng và đủ theo khoa học mỗi ngày

1.3 Mất cân bằng chất điện giải

Liên tục tiêu thụ lượng lớn rau càng cua là thói quen bạn cần phải thay đổi ngay, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị dư thừa kali, gây ra hiện tượng mất cân bằng chất điện giải. Ngoài ra, nếu không kịp thời khắc phục tình trạng này, thể tích dịch trong cơ thể sẽ sụt giảm và khiến huyết áp hạ thấp dưới mức an toàn.

2. Hướng dẫn sử dụng rau càng của đúng cách

Cùng với việc cân đối liều lượng rau càng cua trong khẩu phần ăn hàng ngày, bạn cũng cần chú ý thực hiện đúng theo một số hướng dẫn an toàn sau:

2.1 Không ăn phần hoa (bông) rau càng cua

Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào khuyến khích dùng hoa (bông) của rau càng cua nên để đảm bảo an toàn, bạn không nên thêm bộ phận này khi chế biến. Bên cạnh đó, phần lớn khi hoa xuất hiện thì phần lá rau càng cua khá già và cứng, rất khó ăn, do vậy hãy “tranh thủ” dùng khi cây chưa ra hoa nhé.

tac-hai-cua-rau-cang-cua-la-gi-voh-1
Nên dùng rau càng cua khi còn non, lá sẽ mềm và ngon hơn (Nguồn: Internet)

2.2 Ngâm rửa sạch trước khi dùng

Rau càng cua thường sinh trưởng và mọc sát bề mặt đất, khả năng nhiễm giun sán, vi khuẩn thường khá cao. Vì thế, trước khi đem chế biến, đừng quên ngâm rửa rau với nước muối loãng trong khoảng 15 – 20 phút.

2.3 Tránh tích trữ món ăn từ rau càng cua

Dù dùng rau càng cua làm nguyên liệu trộn gỏi hay đem ép lấy nước uống, bạn cũng nên dùng một lượng vừa đủ, tránh làm dư thừa nhiều và tích trữ qua đêm, tốt nhất hãy dùng hết sau khi pha chế hoặc chế biến.

Xem thêm: 6 món từ rau càng cua, ngon ngất ngây trời mây, gắp hoài chẳng ngừng tay

2.4 Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ

Thực tế thì rau càng cua là loại rau khá lành tính và phụ nữ mang thai vẫn có thể bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, để an tâm hơn trong quá trình sử dụng, mẹ nên chủ động liên hệ tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Qua những thông tin chia sẻ trên đây, có thể thấy rằng, nếu biết điều chỉnh lượng rau tiêu thụ hàng ngày ở mức hợp lý thì bạn hoàn toàn có thể tự phòng tránh được những tác dụng phụ của rau càng cua. Vì vậy, dẫu yêu thích loại rau này nhưng bạn hãy lưu ý chỉ nên dùng đủ lượng thôi đấy nhé!