Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Người bệnh tiểu đường ăn trái lê được không?

(VOH) – Lê vốn là trái cây lành mạnh, song người bệnh tiểu đường không mấy ‘mặn mà’ vì lo ngại độ ngọt của quả sẽ làm tăng nồng độ đường huyết. Vậy thực tế khi bị tiểu đường ăn trái lê được không?

Việc duy trì nồng độ đường huyết ở mức ổn định và an toàn là ưu tiên của tất cả chúng ta, đặc biệt với nhóm đối tượng không may mắc bệnh tiểu đường thì điều này vô cùng quan trọng.

Khi cơ chế chuyển hóa đường glucose của người bệnh không diễn ra bình thường, họ phải theo dõi kĩ lưỡng lượng thực phẩm hấp thu hàng ngày và thay đổi thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, đôi khi vì lo lắng quá mức mà người bệnh tiểu đường thường kiêng khem rất nhiều nhóm thực phẩm, trái cây, nhất là những loại quả có vị ngọt như trái lê

1. Người bệnh tiểu đường ăn trái lê được không?

Trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo người bệnh ăn đa dạng trái cây, không cắt giảm hoàn toàn nhưng cũng không tập trung ăn nhiều, liên tục bất cứ loại nào.

Chính vì lý do đó, người bệnh tiểu đường có thể ăn trái lê với liều lượng hợp lý, khoảng 50 – 70g (1 trái lê nhỏ) trong khẩu phần ăn hàng ngày. 

Trái lê vừa có vị ngọt tự nhiên giúp bạn giảm cơn thèm ngọt, vừa chứa các hoạt chất thiết yếu hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. 

2. Ăn quả lê khi mắc bệnh tiểu đường có lợi ích gì ?

2.1 Làm chậm quá trình hấp thu đường

Lê được đánh giá là loại quả thân thiện với người bệnh tiểu đường bởi dựa trên phân tích dinh dưỡng, chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) của lê khá thấp, nằm trong khoảng từ 20 – 49, thay đổi tùy vào trọng lượng của trái. 

Bên cạnh đó, lượng chất xơ do lê cung cấp tương đương với 20% giá trị hàng ngày mà cơ thể cần, góp phần không nhỏ làm chậm quá trình phân giải và hấp thu đường glucose vào máu, ngăn ngừa tình trạng gia tăng đường huyết đột ngột. 

nguoi-benh-tieu-duong-an-trai-le-duoc-khong-voh-0
Lê là trái cây có chỉ số đường huyết thực phẩm thấp nên người bệnh tiểu đường có thể ăn thêm (Nguồn: Internet) 

2.2 Giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2

Một số nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng hoạt chất chống oxy hóa anthocyanins được tìm thấy trong trái lê có vai trò quan trọng hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Theo đó, tỉ lệ mắc bệnh ở người có thói quen ăn lê hợp lý sẽ ít hơn 18% so với các đối tượng khác. (1)

Xem thêm: Cách kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 để sống ‘hòa bình’ với nó, tránh biến chứng nguy hiểm

2.3 Phòng ngừa biến chứng tiểu đường

Tiểu đường là bệnh lý mãn tính, rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn, đặc biệt nếu không thực hiện đúng phác đồ thì nguy cơ cao mắc phải những biến chuyển nghiêm trọng suy giảm thị lực, suy thận hay xơ vữa động mạch

Việc bổ sung thêm lê trong khẩu phần ăn, tăng cường tiếp nạp vitamin A, vitamin C và các chất chống oxy hóa được xem như phương pháp giúp bạn chủ động cải thiện chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, kiểm soát và phòng tránh tối đa biến chứng của bệnh tiểu đường. 

Xem thêm: Cách xử lý các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

3. Cách ăn trái lê khi mắc tiểu đường

Người bệnh tiểu đường có thể yên tâm thêm trái lê trong thực đơn ăn uống của mình, nhưng điều cần lưu ý ở đây đó là ăn lê đúng cách, đúng khoa học để tận dụng tối đa lợi ích từ thứ quả này. 

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho người bệnh tiểu đường khi ăn lê: 

3.1 Chia nhỏ khẩu phần ăn

Cùng với việc kiểm soát liều lượng ở mức an toàn, bạn nên chia nhỏ số lần ăn lê trong ngày, tránh ăn quá nhiều lê cùng một lúc. Ví dụ, sau ăn sáng khoảng 15 – 20 phút, hãy ăn 1 – 2 miếng nhỏ, tiếp theo có thể ăn thêm 2- 3 miếng vào bữa phụ lúc 2 hoặc 3 giờ chiều. 

3.2 Hạn chế dùng chế phẩm từ quả lê

Cũng giống như với bất cứ loại trái cây nào, tốt nhất người bệnh tiểu đường nên ăn lê trực tiếp thay vì đem ép lấy nước hay sử dụng các sản phẩm đóng hộp khác. Điều này sẽ giúp bạn hấp thu lượng chất xơ một cách tốt nhất.

nguoi-benh-tieu-duong-an-trai-le-duoc-khong-voh-1
Người tiểu đường nên ăn lê trực tiếp thay vì dùng nước ép (Nguồn: Internet)

3.3 Cắt giảm nhóm đồ ngọt khác

Trung bình một trái lê nhỏ (khoảng 80 – 90g) sẽ chứa khoảng 20g carbohydrate. Do đó, nếu khẩu phần ăn trong ngày có lê thì bạn nên cắt giảm bớt thực phẩm khác có lượng lớn carbohydrate, nhất là các loại bánh kẹo, trái cây như chuối chín, dưa hấu

4. Những lưu ý dành cho người mắc bệnh tiểu đường khi ăn trái cây

Người mắc bệnh tiểu đường khi ăn trái cây sẽ giúp bổ sung lượng chất xơ, chất khoáng và nước cho cơ thể. Việc bổ sung trái cây vào thực đơn hàng ngày của người bệnh tiểu đường cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nên ăn 1 loại trái cây nhất định: mỗi loại trái cây sẽ chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, vì thế nên đa dạng ăn nhiều loại trái cây để kiểm soát lượng đường trong máu không tăng đột ngột và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.
  • Không ăn trái cây thay cho bữa chính: mặc dù ăn trái cây tốt cho sức khỏe nhưng việc thay thế trái cây cho bữa chính là hoàn toàn sai lầm và có thể sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh tiểu đường.
  • Tốt nhất nên ăn trái cây tươi hơn thay vì uống nước ép
  • Hạn chế dùng trái cây khô và đồ hộp: vì các loại này chứa ít dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, thậm chí còn tác động tiêu cực đến tình trạng bệnh.

Có thể thấy, lê là thực phẩm an toàn dành cho người đang điều trị bệnh tiểu đường, nhưng dù vậy cũng hãy đảm bảo thực hiện những hướng dẫn ăn đúng cách để cải thiện sức khỏe thật tốt nhé.