Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trà hoa cúc có thể ngăn ngừa ung thư, hạ huyết áp và giảm đau họng

VOH - Khi thời tiết chuyển mùa con người dễ bị cảm lạnh, ho và đau họng. Uống trà hoa cúc giúp cải thiện hiệu quả những triệu chứng này.

Tuy nhiên, theo đông y nghe nói hoa cúc có tính hàn? Hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, cải thiện thị lực còn có tác dụng gì khác không? Sau đây, mọi người hãy cùng VOH tìm hiểu về trà hoa cúc qua bài viết dưới đây.

tra-hoa-cuc
Trà hoa cúc được pha từ hoa cúc tươi, không chứa caffeine, có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt và an thần - Ảnh: TVBS

Hoa cúc có thể hạ huyết áp, ngăn ngừa ung thư và giảm đau họng

Theo y học cổ truyền ngoài lợi ích kéo dài tuổi thọ, các thí nghiệm gần đây đã chứng minh rằng, hoa cúc rất giàu vitamin và khoáng chất, không chỉ giúp cơ thể điều hòa hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng mà nó còn cải thiện một số triệu chứng thường gặp khi thời tiết giao mùa như mệt mỏi, suy nhược, lo lắng, mất ngủ, cáu gắt, uể oải, rối loạn tiêu hoá và tình trạng cơ thể khó chịu nói chung. Sau đây là 5 lợi ích chính mà trà hoa cúc có thể mang lại cho cơ thể con người:

1. Bảo vệ thị lực

Hoa cúc rất giàu beta-carotene mà cơ thể có thể chuyển đổi thành vitamin A. Nó có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng như ngứa mắt, đỏ mắt và khô mắt, đồng thời ngăn ngừa chứng khô mắt và quáng gà.

2. Hạ huyết áp

Hoa cúc rất giàu kali, có thể giúp ổn định huyết áp và cải thiện các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp.

3. Chống ung thư

Hoa cúc chứa chất chống oxy hóa flavonoid, có thể giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, bảo vệ gan, trì hoãn lão hóa da và thậm chí giúp chống ung thư.

4. Ngăn ngừa bệnh tim

Trà hoa cúc có thể làm giảm nồng độ cholesterol trong máu một cách hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ và các triệu chứng khác, đồng thời bảo vệ tim mạch.

5. Cải thiện các triệu chứng đường hô hấp trên

Hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm họng, ho…

5 nhóm người không thích hợp uống trà hoa cúc

Theo đông y, hoa cúc tuy có nhiều tác dụng hữu ích nhưng không phải ai cũng phù hợp. Dược tính của hoa cúc là ngọt, đắng và hơi hàn nên không thích hợp dùng lâu dài hoặc dùng nhiều. Những người thuộc các nhóm người dưới đây cần thận trọng khi uống trà hoa cúc.

1. Người tỳ vị hư hàn hoặc dương hư

Dược tính của hoa cúc là tính hàn, cho nên người già, người bệnh, người mới khỏi bệnh nặng nói chung thường sợ ớn lạnh, nhất là sợ bị lạnh tay chân. Nếu uống trà hoa cúc, họ sẽ bị đau bụng, tiêu chảy do vị hàn (lạnh bụng). Đặc biệt đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, uống trà hoa cúc quá nhiều hoặc uống trong thời gian dài sẽ làm tổn hại đến dương khí và gây bất lợi cho sự tăng trưởng và phát triển.

2. Người bị dị ứng

Hoa cúc dễ gây viêm kết mạc dị ứng. Người có tiền sử viêm kết mạc dị ứng phấn hoa nên thận trọng khi uống trà hoa cúc.

3. Người bị cảm mạo phong hàn

Hoa cúc có tác dụng phòng trị cảm mạo cho người bị cảm mạo phong nhiệt, nhưng không tác dụng đối với người bị cảm mạo phong hàn, vì vậy mọi người nên hiểu rõ mình đang trong tình trạng như thế nào trước khi uống trà hoa cúc nhe.

4. Phụ nữ mang thai

Khả năng miễn dịch của phụ nữ sẽ giảm khi mang thai, đồng thời sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Nếu phụ nữ mang thai uống trà hoa cúc tính hàn có thể gây đau bụng, không tốt cho sức khỏe.

5. Người huyết áp thấp

Hoa cúc có tác dụng hạ huyết áp, vì vậy người huyết áp thấp không nên uống trà hoa cúc để tránh nó làm cho chóng mặt.

Kiêng kỵ của hoa cúc: không uống trà hoa cúc để qua đêm

Hoa cúc có chứa flavonoid, có tác dụng chống oxy hóa và chống lão hóa. Tuy nhiên, nếu ngâm trong nước lâu sẽ xảy ra phản ứng hóa học, nên uống ngay sau khi pha trà, không nên uống trà hoa cúc để qua đêm, nếu uống sẽ gây đau bụng và tiêu chảy.

Bình luận