Tiêu điểm: Nhân Humanity

Uống nước dừa nhiều có tốt không? 5 tác dụng phụ cần lưu ý

(VOH) – Những ngày thời tiết khô nóng, trong danh sách các thức uống giúp ‘hạ hỏa’ hiệu quả thì không thể thiếu nước dừa. Vậy uống nước dừa nhiều có tốt không và những lưu ý nào cần biết khi uống?

Hầu hết chúng ta đều biết rằng nước dừa đem đến nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên hãy cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây cách sử dụng nước dừa đúng cách, để đảm bảo cải thiện sức khỏe thật tốt nhé. 

1. Uống nước dừa nhiều có tốt không?

Quả dừa là một loại trái cây cực kì dễ tìm kiếm và giá thành tương đối rẻ, đặc biệt nhờ có hương vị ngọt lành nên mùa hè nào nước dừa cũng “đắt hàng”. Nhưng cần lưu ý rằng thói quen uống nước dừa nhiều hàng ngày hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. 

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng tốt nhất mỗi ngày chỉ nên uống 1 trái dừa (tương đương khoảng 500 ml), mỗi tuần chỉ dùng từ 2 – 3 trái dừa. Nếu uống quá liều lượng trên, nguy cơ cao sẽ mắc phải những tác dụng phụ dưới đây: 

1.1 Làm hạ huyết áp quá mức

Nước dừa được đánh giá là thức uống bổ sung nguồn khoáng chất kali khá dồi dào – một trong những dưỡng chất cần thiết với người bệnh điều trị cao huyết áp. Nhưng cũng chính vì lý do đó, nếu uống quá nhiều nước dừa, có thể dẫn tới tình trạng dư thừa kali, làm hạ huyết áp quá mức, gây hoa mắt chóng mặt và thậm chí là ngất xỉu. 

1.2 Gây đầy bụng

Khi tiếp nạp lượng lớn nước dừa cùng một lúc bạn sẽ rất khó tránh khỏi nguy cơ bị chứng đầy hơi chướng bụng. Lúc này, trong dạ dày tích tụ nhiều nước, bụng sẽ căng lên và khiến bạn cảm thấy ậm ạch khó chịu. 

uong-nuoc-dua-nhieu-co-tot-khong-5-tac-dung-phu-can-luu-y-voh-0
Tích tụ nhiều nước dừa trong dạ dày sẽ gây đầy hơi, chướng bụng (Nguồn: Internet) 

1.3 Nguy cơ tăng đường huyết

Theo phân tích dinh dưỡng, trong khoảng 100ml nước dừa có chứa khoảng 5g chất đường bột. Do vậy, với những đối tượng đang điều trị bệnh tiểu đường thì nên kiểm soát tốt lượng nước dừa uống hàng ngày, nhằm phòng ngừa nguy cơ tăng đường huyết và các biến chứng nghiêm trọng. 

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

1.4 Mất cân bằng chất điện giải

Mất cân bằng chất điện giải hay còn được biết đến là rối loạn điện giải, xảy ra do nồng độ kali và natri trong máu tăng lên hoặc hạ xuống vượt mức an toàn. Theo đó, liên tục uống nước dừa sẽ làm biến động hai chỉ số này trong máu, tốc độ lưu thông máu đến tim chậm, khiến nhịp tim không ổn định và nguy hiểm hơn là tim có thể ngừng đập. 

1.5 Tăng áp lực cho thận

Bạn sẽ nhận thấy rằng khi uống nhiều nước dừa, số lần đi tiểu tiện sẽ tăng lên với tần suất lớn hơn. Hiện tượng này có thể khiến thận phải làm việc “gắng sức” để bài tiết, các tế bào nhu mô thận sẽ sưng phồng lên tạm thời, song nếu kéo dài thì chức năng của thận sẽ suy giảm. 

Xem thêm: Mách bạn 4 cách giúp duy trì sức khỏe thận lâu dài

2. Ai không nên uống nước dừa?

Việc quan tâm và theo dõi kĩ lượng thể trạng của bản thân giúp bạn lựa chọn được các loại trái cây phù hợp. Do đó, trước khi quyết định uống nước dừa, hãy đảm bảo bạn không thuộc các nhóm đối tượng sau đây: 

2.1 Thể trạng âm hàn

Nước dừa không hẳn là sự lựa chọn “hoàn hảo” với người có thể trạng âm hàn (tay chân rất dễ bị lạnh). Thức uống này có tính mát, nếu uống quá nhiều sẽ gây mất cân bằng “âm dương” của các hoạt động trao đổi chất, gây suy nhược cơ thể và đuối sức. 

2.2 Mang thai 3 tháng đầu 

Trong thời kì tam cá nguyệt thứ nhất, bào thai thường chưa bám chắc vào thành tử cung của người mẹ, do đó, nếu sử dụng nước dừa có tính hàn sẽ làm lạnh cơ thể và tiềm ẩn nguy cơ sẩy thai.

uong-nuoc-dua-nhieu-co-tot-khong-5-tac-dung-phu-can-luu-y-voh-1
Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu nên hạn chế uống nước dừa (Nguồn: Internet) 

Bên cạnh đó, hội chứng ốm nghén trong giai đoạn này có thể trở nên trầm trọng hơn bởi uống nước dừa thường xuyên sẽ gây đầy bụng và rối loạn tiêu hóa. 

Xem thêm: Những món ăn giúp mẹ bầu vượt qua cơn ốm nghén dễ dàng

2.3 Đi nắng về

Sau khi vừa hoạt động, làm việc ngoài trời nắng trở vào nhà, bạn không nên uống ngay nước dừa. Tốt nhất hãy ngồi nghỉ, để thân nhiệt ổn định trở lại rồi có thể uống nước dừa với liều lượng vừa phải, tránh uống “ừng ực” cho đã khát. 

3. Lưu ý uống nước dừa đúng cách

Dưới đây là một vài lời khuyên bạn nên tham khảo thực hiện, nhằm đảm bảo uống nước dừa đúng cách và không gây hại đến sức khỏe. 

3.1 Không uống vào buổi tối

Giấc ngủ ban đêm rất quan trọng, chúng ta cần ngủ sâu đủ từ 6 – 8 tiếng nhưng nếu trước khi đi ngủ bạn uống nhiều nước dừa thì chu trình này sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để dùng nước dừa là buổi sáng hoặc buổi chiều. 

3.2 Không pha thêm chất tạo ngọt 

Vị ngọt tự nhiên của nước dừa đã rất hấp dẫn và không cần pha thêm đường hay các chất tạo ngọt khác. Bên cạnh đó, bạn nên uống nước dừa nguyên chất, hạn chế sử dụng nước dừa đóng lon sẵn. 

Để không bỏ phí thức uống trái cây tự nhiên với nhiều dưỡng chất quý giá, lần tới  khi uống nước dừa hãy lưu ý thực hiện đúng phương pháp và đúng khoa học nhé. 

Bình luận