Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam, 20 công trình y tế thông minh đã được vinh danh
Buổi lễ trao Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam lần 5 năm 2024 đã được Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) phối hợp cùng với Sở Y tế TPHCM tổ chức vào tối 26/2. Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP; Trần Thị Diệu Thuý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.

Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam lần này có chủ đề là Y tế thông minh và được tổ chức nhằm tri ân những nghiên cứu mới, những ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc điều trị, chăm sóc bệnh cho nhân dân.
Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH), trưởng ban tổ chức giải thưởng – Ông Lê Công Đồng cho biết, kể từ khi phát động thì đã có 68 sản phẩm đến từ 34 đơn vị y tế trên địa bàn TP.HCM, TP Cần Thơ và tỉnh Đắk Nông đăng ký tham gia.
Tại buổi lễ vào tối 26/2, đã có 20 công trình y học đã được vinh danh, nhận Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam năm 2024. Trong đó có 1 giải Nhất (công trình y tế “Cổng tra cứu thông tin hành nghề y, dược” của Phòng Công nghệ thông tin, Nghiệp vụ y, Quản lý dịch vụ y tế, Thanh tra Sở Y tế), 2 giải Nhì (công trình y tế “Giải pháp đột phá trong mã hóa dữ liệu lâm sàng của bệnh án điện tử” của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và công trình y tế “Xây dựng ứng dụng để tập luyện trí nhớ bằng tiếng Việt trong điều trị sa sút trí tuệ” của Bệnh viện Quân y 175).

20 công trình y tế thông minh được vinh danh tại buổi lễ Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam lần thứ 5 năm 2024
1. Cổng tra cứu thông tin hành nghề y, dược - Sở Y tế TP.HCM.
2. Giải pháp đột phá trong mã hóa dữ liệu lâm sàng của bệnh án điện tử - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.
3. Xây dựng ứng dụng tập luyện trí nhớ trong điều trị sa sút trí tuệ - Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM.
4. Ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu - Phòng nghiệp vụ dược - công nghệ thông tin Sở Y tế TP.HCM.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý hiệu quả công tác dược viện - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.
6. Hệ thống cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện - Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank).
7. NeoCalc - ứng dụng thông minh trong cá thể chăm sóc sơ sinh - ĐH Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Hội Chu sinh - Sơ sinh TP.HCM.
8. Hệ thống quản lý và điều hành nguồn nhân lực của ngành y tế TP.HCM - Phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế TP.HCM.
9. Ứng dụng máy học trong cảnh báo viêm ruột thừa có biến chứng.
10. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lập kế hoạch xạ trị ung thư đầu cổ - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
11. Ứng dụng phần mềm giám sát chương trình ERAS - Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
12. Phần mềm quản lý dữ liệu nghiên cứu lâm sàng - Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức.
13. Ứng dụng định vị 3 chiều phẫu thuật u mũi xoang xâm lấn sàn sọ - Bệnh viện Tai Mũi Họng.
14. Ứng dụng công nghệ thông tin cảnh giác dược trong y học cổ truyền - Bệnh viện Y học cổ truyền.
15. Ứng dụng robot trong sinh thiết xương ở các vị trí khó tiếp cận - Bệnh viện Quân y 175.
16. Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn - Công ty CP mạng y tế cộng đồng MEDCOMM.
17. VTEShield 4.0 - ứng dụng thông minh, dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch - Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
18. Mô hình quản lý chuỗi phòng khám bằng phần mềm KimHIS - Nha khoa Kim.
19. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tầm soát rung nhĩ - Bệnh viện Nguyễn Trãi.
20. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý cơ sở y dược tư nhân - Phòng Y tế quận 8.
Giành lại sự sống cho bệnh nhân bất kể thời tiết, ngày đêm
Giữa lằn ranh sinh tử, các bác sĩ đã không ngại khó khăn trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, bất kể ngày đêm đều tìm cách để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn ở đảo Trường Sa, các y bác sĩ đã tiếp nhận một bệnh nhân đang đánh bắt cá thì đột ngột đao đầu, huyết áp cao, méo mặt và mất cảm giác nửa người.

Ngay sau đó các y bác sĩ đã hội chẩn trực tiếp với các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, chẩn đoán tình hình của bệnh nhân và ngay lập tức đã có một đội cấp cứu đường hàng không đã được đưa ra đảo Trường Sa để cứu người.
Giữa điều kiện thời tiết xấu thì các y bác sĩ đã cố gắng cố định tư thế cho người bệnh để hạn chế những tổn thương tác động đến nạn nhân, gây nguy hiểm cho nạn nhân và đưa nạn nhân về đất liền an toàn, cố gắng giành sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử.
Phát triển “cấp cứu đường không” và những đặc thù khi sơ cứu người trên trực thăng
Trong những năm gần đây, cấp cứu đường hàng không đã có nhiều bước phát triển đáng kể và đã góp phần quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn và điều trị y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, điều kiện địa hình, thời tiết gây nên nhiều trở ngại cho việc tiếp cận y tế kịp thời nên phạm vi phục vụ còn hạn chế.

Đại tá, tiến sĩ - bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Việt (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) chia sẻ “Chúng tôi rất mong cấp cứu hàng không tiếp tục được mở rộng, không chỉ phục vụ những lực lượng đặc thù mà còn hướng tới nhiều đối tượng hơn nữa. Việc phát triển cấp cứu hàng không sẽ giúp khắc phục tốt nhất các rào cản về địa lý, tận dụng tối đa 'thời gian vàng' trong điều trị, mang lại cơ hội sống cao hơn cho người bệnh".
Việc cấp cứu bằng đường không luôn có nhiều thử thách, đặc biệt trong việc thực hiện sơ cứu bệnh nhân ngay trên trực thăng và đưa về đất liền an toàn là một nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao và có nhiều thách thức nhưng các cán bộ y, bác sĩ luôn cố gắng trong mọi tình huống để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân nhất có thể.
Thượng úy Nguyễn Thế Nhã (tổ cấp cứu đường không - Bệnh viện Quân y 175) cho biết nếu trực thăng bay trong điều kiện gió mạnh, mưa lớn hoặc áp suất thay đổi đột ngột, bệnh nhân có thể gặp thêm biến chứng. Đặc biệt, với những bệnh nhân bị chấn thương sọ não hoặc suy hô hấp, áp suất không khí thay đổi có thể làm tình trạng nặng thêm. Việc sơ cứu cần nhanh chóng, chính xác vì thời gian bay ngắn và bệnh nhân cần được ổn định trước khi đến bệnh viện. Phải ra quyết định nhanh trong những tình huống nguy cấp như sốc phản vệ, ngừng tim hoặc mất máu nặng.
Hôm nay, ngày 27/2 – Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để cả xã hội thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn đến những người công tác trong ngành y tế đã dành hết sức lực và tài trí để cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, đây còn là dịp để các cán bộ y tế ôn lại truyền thống vẻ vang, lịch sử hình thành, phát triển của ngành và nhắc nhở các cán bộ y tế thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như của chính mình.
Bức thư Bác Hồ gửi đến Hội nghị Cán bộ y tế năm 1955 và nguồn gốc của Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Bức thư Bác viết được đăng ở Báo Nhân Dân số ra ngày 27/2/1955, ngắn gọn chỉ có 368 từ, súc tích, dễ hiểu nhưng đã thể hiện đậm triết lý sâu xa, dặn dò các cán bộ, y bác sĩ đó là: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà.

Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Đến ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 27/2 hằng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam để tiếp tục làm theo lời dạy của Bác, nâng cao trách nhiệm, tài đức của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.