Các nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao

VOH - Cholesterol đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Cholesterol có mặt tại hầu hết các bộ phận của cơ thể con người, giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, khi lượng cholesterol trong máu cao thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch. Đây là một căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như đột quỵ, đau tim, đau thắt ngực, bệnh mạch máu ngoại vi và huyết áp cao. Dưới đây là các nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao.

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Những thực phẩm sử dụng hằng ngày cũng có tác động rất lớn đến nồng độ Cholesterol LDL. Theo hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, chất béo bão hòa chỉ chiếm khoảng 5% lượng calo hằng ngày nhưng có thể khiến chúng tăng cao.

Những thực phẩm giàu chất béo này bao gồm: thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, da gà và một số sản phẩm khác như bơ, sữa nguyên kem, phô mai nguyên kem và dầu cọ.

Ảnh minh họa – 11-03-2025

Ảnh minh họa: Internet

Hút thuốc lá

Các hóa chất trong khói thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và khiến cholesterol LDL dễ bám vào.

Hút thuốc cũng giảm mức cholesterol HDL, thu hẹp các mạch máu, làm đặc máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu khắp cơ thể.

Thừa cân, béo phì

Những người thừa cân béo phì thường có mức cholesterol máu cao hơn những người bình thường.

Sự tích lũy chất béo trong cơ thể giảm khả năng loại bỏ chất béo ra khỏi động mạch-chính điều này đã hình thành nên những mãng xơ vữa.

Vì vậy cần theo dõi cân nặng định kỳ, nếu bắt đầu thừa cân cần có chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập…

Không hoặc ít vận động

Không vận động hoặc lười tập luyện thể thao có thể gia tăng nguy cơ tích trữ mỡ thừa trong cơ thể - cholesterol cao.

Khi cơ thể không vận động thường xuyên, sẽ không tiêu hao năng lượng và chất béo. Điều này có thể làm tăng hàm lượng LDL-c (cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp) trong máu, gây ra cholesterol cao và một số vấn đề sức khỏe khác.

Một nghiên cứu đã chỉ ra, những người không vận động thường xuyên có mức cholesterol cao hơn so với những người vận động đều đặn.

Trong khi đó, vận động thường xuyên đã được chứng minh là giảm nguy cơ bệnh tim, bệnh động mạch vành và giúp duy trì mức cholesterol trong máu ở mức bình thường.

Căng thẳng

Ở trạng thái căng thẳng, cơ thể tiết ra hormone cortisol có thể làm tăng mức cholesterol. Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol theo nhiều cách khác.

Một số người tìm đến đồ ăn kém lành mạnh, hút thuốc hoặc lười tập thể dục để giải quyết căng thẳng, khiến tổng lượng cholesterol trong cơ thể cao hơn.

Di truyền

Nếu trong gia đình bạn có người thân chẳng hạn như ông bà, cha mẹ gặp phải tình trạng cholesterol trong máu tăng cao, thì bạn cũng có nguy cơ gặp phải vấn đề sức khỏe tương tự.

Nói một cách khác, cholesterol tăng cao là do yếu tố di truyền. Cụ thể là các gen có vai trò điều khiến cơ thể xử lý cholesterol và chất béo từ bố mẹ sẽ rất dễ di truyền sang cơ thể bạn.

Tuổi tác và giới tính

Tuổi càng cao, nồng độ cholesterol trong máu càng lớn. Thông thường, khi bắt đầu bước sang tuổi 20, nồng độ cholesterol bắt đầu tăng lên.

Về giới tính, phụ nữ sau mãn kinh có nồng độ cholesterol tăng cao hơn đàn ông. Nguyên nhân là do suy giảm estrogen.

Nếu không được điều trị, tăng cholesterol trong máu lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, thậm chí tử vong.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên kiểm tra cholesterol của bạn 6 tháng đến 1 năm một lần, hoặc thường xuyên hơn nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bình luận