Theo bộ phận phụ trách công tác cấp dưỡng cho biết, công ty phục vụ hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày, chia thành nhiều ca phục vụ. Công ty cũng có website nội bộ, đăng tải thực đơn hằng ngày để nhân viên theo dõi thực đơn mình sẽ ăn.
Thực đơn bưa ăn đảm bảo đa dạng các món, được xây dựng dựa trên nhu cầu năng lượng khuyến nghị của người Việt Nam, bữa ăn đáp ứng từ 35 – 40% nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày.
Đơn vị trang bị đầy đủ các thiết bị và vật dụng cần thiết để đảm bảo hoạt động bếp ăn được hiệu quả, đảm bảo an toàn. Các bếp ăn đều tuân thủ các bước về cung cấp suất ăn, trong đó bước cuối người cấp dưỡng chính sẽ kiểm tra phần ăn trước khi đưa đến người lao động.
Thực phẩm tươi sống dùng trong ngày, không để qua đêm, đảm bảo lưu mẫu thực phẩm khi chế biến thực phẩm.
Bà Vũ Cao Quế Dung – Trưởng bộ phận quản lý kinh doanh Công ty Kim May Organ cho biết: “Bếp ăn của 5 nhà máy thuộc công ty vận hành theo hình thức như một công ty thực phẩm, chuyên cung cấp suất ăn cho người lao động. Người lao động trở thành khách hàng cho bộ phận cấp dưỡng."
Phó trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM - Hepza, Nguyễn Võ Minh Thư cho biết, thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, có gần 290 doanh nghiệp có tổ chúc bếp ăn tập thể.
Các doanh nghiệp không tổ chức được bếp ăn tập thể phần lớn có hỗ trợ tiền cơm, bố trí khu vực để người lao động làm nóng thức ăn trước các bữa ăn.
Qua khảo sát, trung bình giá suất ăn từ 20.000 đến 35.000 đồng/suất. Một số doanh nghiệp hỗ trợ đơn vị nấu các chi phí điện, nước, gas, gạo… không tính vào giá suất ăn để nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ít doanh nghiệp có giá suất ăn dưới 20.000 đồng/suất.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư kiến nghị: “Sở An toàn thực phẩm sớm ban hành các quy chế, để trên cơ sở đó sẽ tăng cường việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Đối với các doanh nghiệp có giá suất ăn thấp, Ban quản lý đề nghị Liên đoàn lao động thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục tăng cường công tác đối thoại thương lượng để việc nâng chất lượng bữa ăn cho người lao động”.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐNDTP cho rằng, lượng cung ứng lương thực thực phẩm cho TPHCM ở 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức là khoảng 70%, nhưng nếu được quản lý tốt thì các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đến đặt hàng, cung ứng.
Ông Bình đề nghị Hepza cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm ra nguồn lương thực thực phẩm, cung ứng suất ăn tốt nhất cho công nhân, người lao động an tâm làm việc, khi Hepza đang quản lý 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 252.000 công nhân, người lao động.