Đăng nhập

Cảnh báo tẩy trắng san hô: Nguy cơ mất mát không thể lường trước

00:00
01:25
01:25
ÚC - Ngày 26/3, các nhà khoa học Australia đưa ra cảnh báo về một hiện tượng tẩy trắng san hô nghiêm trọng ngoài khơi bờ biển phía Tây gây tổn hại nặng nề đến rạn san hô Ningaloo.

Hiện tượng này xảy ra sau đợt sóng nhiệt kéo dài nhiều tháng làm nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô mất đi màu sắc sặc sỡ đặc trưng khi đào thải tảo sống khỏi mô.

Mặc dù tẩy trắng không đồng nghĩa với cái chết ngay lập tức của san hô nhưng tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhiều loài san hô gặp nguy cơ tuyệt chủng.

Nhà khoa học Kate Quigley cho biết, mức độ ấm lên của đại dương hiện nay đang vượt qua khả năng chịu đựng tự nhiên của các hệ sinh thái biển, tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với sự sống dưới nước. Bà dự đoán rằng đây có thể là đợt tẩy trắng nặng nề nhất trong nhiều năm qua.

tay-trang-san-hoXem toàn màn hình
San hô bị tẩy trắng - Ảnh minh họa: Kyodo

Rạn san hô Ningaloo dài 300 km là một trong những điểm đến nổi tiếng thuộc Vườn Quốc gia Hải dương Ningaloo, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2011.

Hiện tượng tẩy trắng san hô đang gây tác động sâu rộng đến các loài sinh vật nơi đây. Không chỉ ở Ningaloo, dấu hiệu tẩy trắng cũng được phát hiện tại Great Barrier Reef, mặc dù mức độ thiệt hại chưa đủ nghiêm trọng để coi là "tẩy trắng hoàn toàn."

Với nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục trong năm 2024, hiện tượng tẩy trắng san hô không chỉ là một vấn đề cục bộ mà là một dấu hiệu cảnh báo về biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến gần 80% các rạn san hô toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024.

Các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch tại Australia không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn góp phần gia tăng sóng nhiệt, cháy rừng và hạn hán, làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái biển.

Bình luận