Đăng nhập

Cha mẹ giật mình khi con lặng câm giữa đời sống

VOH - Chỉ vì nhờ smartphone “trông con” giúp, nhiều cha mẹ đang phải trả giá bằng tiếng nói của chính đứa trẻ mà họ yêu thương nhất.

Vợ chồng anh Quân, chị Thu Hằng (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) từng nghĩ họ đã tìm được “trợ thủ đắc lực” khi cho con trai 3 tuổi – bé Bo – xem điện thoại từ sớm. Mỗi lần Bo quấy khóc, chỉ cần mở YouTube là bé lập tức nín lặng, mắt dán vào màn hình suốt nhiều giờ.

Cứ như vậy, chiếc điện thoại trở thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ, giúp vợ chồng anh Quân yên tâm làm việc mà không bị gián đoạn. Nhưng rồi họ nhận ra, Bo không gọi “ba”, “mẹ” như những đứa trẻ cùng tuổi. Bé cũng không diễn đạt được nhu cầu bằng lời nói, chỉ khóc hoặc kéo tay người lớn.

Tre con coi ti vi 2025Xem toàn màn hình
Ảnh minh hoạ

Khi đưa con đi khám, bác sĩ kết luận bé Bo bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ và được chỉ định trị liệu chuyên sâu. Tin sét đánh ấy khiến anh Quân sụp đổ. “Chúng tôi đâu ngờ, vài video vui vẻ trên mạng lại lấy đi tiếng nói của con mình,” anh nghẹn ngào.

Tương tự, chị Ngọc Bích (33 tuổi, TP. Thủ Đức) từng giao hẳn chiếc iPad cho con gái 4 tuổi – bé Na – để có thời gian bán hàng online. Cả ngày, Na chỉ ngồi một chỗ, chăm chú xem hoạt hình. Bé không nói, không giao tiếp, chỉ phát ra vài tiếng vô nghĩa.

Lúc đầu, gia đình nghĩ Na chậm nói do nhút nhát. Nhưng sau buổi khám tại bệnh viện, họ bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo: “Bé có biểu hiện rối loạn phát triển ngôn ngữ do thiếu tương tác xã hội và sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.”

Chị Bích cho biết từ khi dừng hẳn iPad, bé Na thường xuyên cáu kỉnh, la hét. Việc giúp con làm quen với thế giới thực trở thành hành trình gian nan.


Màn hình không thay được vòng tay cha mẹ

Theo TS.BS Vũ Sơn Tùng – Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai – nhiều trẻ hiện nay bị chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ vì tiếp xúc sớm và kéo dài với thiết bị điện tử, đặc biệt là trẻ từ 1-3 tuổi dùng màn hình hơn 2 giờ/ngày.

“Thiết bị thông minh không phải công cụ học tập ở tuổi mầm non, mà là con dao hai lưỡi,” ông nhấn mạnh. Trẻ chậm nói không chỉ ảnh hưởng khả năng giao tiếp mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy: khó khăn học tập, tự ti, cô lập xã hội và kéo dài sang tuổi trưởng thành.

Một khảo sát gần đây cho thấy hơn 60% trẻ chậm nói không thể theo kịp chương trình học phổ thông, cao hơn 4-6 lần so với bạn bè đồng trang lứa. Trong khi đó, nếu được can thiệp trước 3 tuổi, khả năng phục hồi có thể đạt tới 80%.

Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên cảnh giác với những dấu hiệu sau:

  • Trẻ 6-12 tháng không giao tiếp bằng mắt, không phản ứng khi gọi tên.

  • Trẻ 1-2 tuổi không nói được ít nhất 50 từ, không biết ghép hai từ đơn giản.

  • Trẻ 3 tuổi không ghép được câu dài, không sử dụng khoảng 200 từ, không hỏi hoặc trả lời các câu hỏi đơn giản.

TS Tùng nhấn mạnh: “Đừng bao giờ để con lớn lên trong sự im lặng của màn hình. Trẻ cần được nói, được lắng nghe và lớn lên trong sự kết nối với cha mẹ.”

Điện thoại có thể giúp bạn yên tĩnh vài phút, nhưng cái giá phải trả là sự phát triển cả đời của một đứa trẻ.

Bình luận